Khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có nhiều quy định theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Một trong những điểm nổi bật trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, vào sáng 29/6 là quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Luật đã được thông qua với 454/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 93,42% tổng số đại biểu Quốc hội.
Hướng đến giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có nhiều điểm mới quan trọng liên quan đến người lao động, những thay đổi hướng tới các mục tiêu lớn như: mở rộng đối tượng tham gia; gia tăng quyền, lợi ích trong thụ hưởng chính sách để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài đối với người dân. Luật đã sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2014; tăng cường chế tài xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Nghị quyết 28 đề ra định hướng: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần”.
Để triển khai nghị quyết của Đảng, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có nhiều quy định theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần. Chẳng hạn, điều kiện hưởng lương hưu dễ dàng hơn với người lao động khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu giảm từ 20 năm xuống 15 năm. Trong trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, người lao động được hưởng trợ cấp hằng tháng và được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định, mức trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu bằng 2 tháng lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%. Trong khi đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức trợ cấp này là 0,5 tháng.
Luật cũng quy định cụ thể để thể chế hóa nội dung Nghị quyết 28 về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần là đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Như vậy, đối với nhóm người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (từ 1/7/2025) sẽ không được nhận bảo hiểm xã hội một lần theo điều kiện này (chỉ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hoặc ra nước ngoài để định cư hoặc đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS hoặc người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng).
Ưu điểm của quy định này đã thể hiện lộ trình từng bước khắc phục được tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần của thời gian qua; tiến tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.
Hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng
Tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam); trong khi tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội là hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.
Một trong những nội dung cải cách trong Nghị quyết 28 đã xác định xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, bao gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội; bảo hiểm xã hội cơ bản (gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện); bảo hiểm hưu trí bổ sung; đồng thời đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã thể chế hóa được nội dung cải cách nêu trên và cũng thể hiện được sự liên kết, linh hoạt giữa các tầng, sự hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ theo Nghị quyết 28.
Chương III (về trợ cấp hưu trí xã hội) quy định, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng (trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ) hoặc đối tượng là công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Định kỳ 3 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội. Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khi chết thì tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi.
Luật cũng bổ sung quy định chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Theo quy định này, công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, nếu không hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình. Thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hằng tháng được xác định căn cứ vào thời gian đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.
Sửa đổi Luật nhằm bảo đảm an sinh xã hội
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, với vai trò là cơ quan thuộc Chính phủ được giao tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cơ quan này luôn cố gắng, nỗ lực thực hiện tốt công tác chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội được Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặc biệt quan tâm. Đây là nền tảng quan trọng nhất cho hoạt động triển khai nhiệm vụ của ngành.
Từ năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Từ kết quả, số liệu, thông tin đánh giá thực tiễn triển khai, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp những căn cứ thực tiễn, khoa học trong xây dựng dự thảo Luật. Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác định, việc sửa đổi Luật nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết 28, tiến tới bao phủ bảo hiểm xã hội toàn bộ lực lượng lao động; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật và Nghị quyết số 93/2015/QH13; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới. Đồng thời mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu. Hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch./.