Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 27/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp với tỷ lệ tán thành cao (464/464 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,47% tổng số đại biểu).
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày tại phiên họp nêu rõ: Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 7 chương, 86 điều; so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý không thay đổi về số chương, tăng 1 điều (bổ sung Điều 28 quy định về phát triển công nghệ lưỡng dụng và Điều 71 quy định về đào tạo, nghiên cứu khoa học và trao đổi chuyên gia phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh; bỏ Điều 80 quy định về trách nhiệm của Tòa án nhân dân).
Về hoạt động quản lý nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 21), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bỏ cụm từ “của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an” tại khoản 1 và bỏ từ “Hoạt động” tại tên Điều như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, tại khoản 2, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế tăng vốn điều lệ trực tiếp từ nguồn trích lại lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, doanh nghiệp công nghiệp an ninh hoặc các nguồn huy động hợp pháp khác để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước hoặc nghiên cứu bổ sung quy định tăng vốn điều lệ từ Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh. Về vấn đề này, để bảo đảm tính trọng tâm, khả thi của việc trích lợi nhuận sau thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Liên quan đến nội dung tại khoản 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại khoản này như khoản 4 Điều 21 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua. Với quy định như trên, cùng với việc giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 6 Điều này, việc trích lợi nhuận sau thuế sẽ được quy định cụ thể, có thứ tự ưu tiên, bảo đảm chặt chẽ, khả thi…
Về Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 22), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung 1 điểm (điểm a) về nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; chỉnh lý điểm b thành điểm c quy định “Trích lập từ lợi nhuận sau thuế theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 21 của Luật này”; đồng thời, sắp xếp lại các điểm của khoản này cho phù hợp như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Về tổ hợp công nghiệp quốc phòng (Mục 7 Chương II), theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, qua rà soát, tại Điều 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý điểm c khoản 1 thành khoản 2 quy định: “Thành phần khác tham gia tổ hợp công nghiệp quốc phòng thông qua việc liên doanh, liên kết, ký hợp đồng với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, cung cấp dịch vụ của tổ hợp công nghiệp quốc phòng”; khoản 2 thành khoản 3 quy định: “Thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 31 của Luật này”; đồng thời, sắp xếp lại các khoản như Điều 44 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua…
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng số 02/2008/PL-UBTVQH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 01/2018/UBTVQH14, Pháp lệnh Động viên công nghiệp số 09/2003/PL-UBTVQH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành./.