Quốc hội với Cử tri

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Kiểm soát lạm phát tâm lý khi tăng lương

Khi lương đủ lớn, đủ để trang trải cuốc sống, cán bộ, công chức, viên chức sẽ không muốn tham nhũng và rất e ngại khi dính vào tham nhũng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân phát biểu ý kiến. 
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về cải cách tiền lương áp dụng từ ngày 1/7/2024, chiều 26/6, thảo luận ở nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất với việc cần thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách.

Hài hòa, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, trợ cấp

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu quan điểm, thực tiễn chuẩn bị bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương còn bất cập. Do đưa phụ cấp công vụ 25% hiện nay vào bảng lương mới, dẫn đến lương cơ bản của công chức tăng bình quân 23,5% là thấp so với viên chức tăng bình quân 54,3% và lực lượng vũ trang tăng 43,96%. Tổng quỹ lương của cán bộ công chức, viên chức tăng 30%, lực lượng vũ trang tăng 51,93% là chưa bình đẳng với các đối tượng hưởng lương, chưa hợp lý với bảng lương mới theo dự kiến.

Cũng theo ông Hòa, khi chuyển xếp từ lương cũ sang lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo đang hưởng lương chuyên môn nghiệp vụ, với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, sẽ rất khó khăn do nhiều bậc lương cũ (ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức khác nhau) lại được xếp vào một mức lương chức vụ mới, dẫn đến có nhiều trường hợp từ cấp vụ, cấp sở và tương đương trở xuống đến cấp xã khi xếp vào mức lương chức vụ mới thấp hơn so với mức lương hiện hưởng. Ngoài ra, tính lương theo vị trí việc làm còn phải sửa đổi rất nhiều quy định của Đảng, Nhà nước về chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở hiện hành.

Mặc khác, phát sinh chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ trước và sau ngày 1/7/2024, bỏ phụ cấp nghề, thâm niên của một số công chức, viên chức chuyên ngành, chỉ còn lực lượng vũ trang. Phải sắp xếp lại nhiều chế độ phụ cấp hiện nay thành 1 chế độ phụ cấp mới, dẫn đến tâm tư không còn hưởng phụ cấp nghề thâm niên, có nhiều trường hợp hưởng phụ cấp rất cao, nhưng khi xếp lương mới sẽ bị giảm rất nhiều. Đây là vấn đề rất khó khăn phức tạp.

Từ các phân tích trên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, Chính phủ trình tiếp tục thực hiện theo lộ trình tăng mức lương cơ sở, lương hưu, phụ cấp, các chế độ chính sách khác là rất cần thiết.

“Mức lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng là mức lương cao nhất từ trước đến nay, ngoài việc cải thiện đời sống của người hưởng lương và trợ cấp, còn đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống tối thiểu của người hưởng lương từ ngân sách”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Ông cũng cho rằng, việc bổ sung quỹ tiền thưởng 10% là chính sách nhân văn trong việc khen thưởng, động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, viên chức, lực lượng vũ trang, người dân có nhiều đóng góp trong thực thi chức trách, nhiệm vụ, lao động sản xuất, giữ gìn trật tự an toàn xã hội...

Đại biểu này đề nghị Chính phủ có chỉ đạo ổn định giá cả thị trường, chống lạm phát, nhất là những mặt hàng tiêu dùng. “Không thể để tình trạng ‘tát nước theo mưa’ của thị trường, khi mỗi lần Nhà nước tăng lương cơ sở thì thị trường tăng giá theo, gây ảnh hưởng đến đời sống của đông đảo người dân lao động, có thu nhập thấp”.

“Nghị quyết 27 của Trung ương năm 2018 nêu chúng ta đã trải qua 4 lần cải cách tiền lương, lần gần nhất là năm 2003. Nếu so sánh nền kinh tế 2003, GDP của chúng ta khi đó khoảng 45 tỷ USD, hiện nay GDP là hơn 450 tỷ USD, tăng lên gấp 10 lần. Cải cách tiền lương rất cần thiết, nhưng cải cách như thế nào?” Câu hỏi này được đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đưa ra trong phần thảo luận của mình.

Ông cho biết, báo cáo giải trình của Bộ trưởng Nội vụ cho thấy chúng ta đã tích trữ được hơn 913 nghìn tỷ đồng để trả lương, đây là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh hiện nay. Nhưng theo ông, cần quy quỹ tiền lương của khu vực công, các doanh nghiệp nhà nước theo tỷ lệ GDP, GDP tăng chừng nào thì thay đổi tiền lương tương ứng. Nói cách khác là tăng lương theo tăng GDP, “vì rõ ràng việc cán bộ, công chức quản lý một nền kinh tế 45 tỷ USD với 450 tỷ USD rất khác nhau”.

Nếu tiền lương chúng ta cứ tăng theo cách để chống lạm phát hoặc chỉ đặt mục tiêu để bảo đảm đời sống thì không khuyến khích được cán bộ, công chức, viên chức- những người làm việc ở khu vực công. Bởi những người làm việc ở khu vực công, ngoài việc họ tự hào về vị trí xã hội, họ còn phải được yên tâm về thu nhập thì mới gắn bó lâu dài.

“Đó cũng là cách chống tham nhũng ngay từ đầu. Khi lương đủ lớn, đủ để họ trang trải, nuôi gia đình, xứng đáng theo mức đóng góp GDP tăng trưởng thì lúc đó họ sẽ không muốn tham nhũng và rất e ngại khi dính vào tham nhũng bởi họ có thể sẽ mất thu nhập trước đây”, đại biểu nhận định.

Để cải cách toàn diện, đại biểu này đề xuất phải đưa ra công thức tính và căn cứ theo GDP hàng năm. Có thể chúng ta không kịp làm lần này, nhưng về lâu dài phải làm như thế mới là giải pháp căn cơ. Nếu làm được như vậy, chúng ta không phải vất vả với việc đi tích trữ, huy động các nguồn ngân sách để dự trữ như hiện nay.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
 Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đề nghị tăng giảm trừ gia cảnh

Nêu thực tế trước khi tăng lương giá cả đã tăng nên cần có giải pháp bình ổn giá, nhất là với các mặt hàng tiêu dùng, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho biết, ông ngạc nhiên là hiện nay, lương chưa tăng mà đã có một số mặt hàng tiêu dùng tăng giá rất nhiều lần. Ông lưu ý cần khống chế việc tăng giá theo tâm lý, lợi dụng tăng lương để tăng giá.

“Lương tăng một tí mà các mặt hàng tăng lên, lợi dụng tăng lương để tăng giá thì không còn ý nghĩa”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Tạ Văn Hạ nói.

Đại biểu này cũng lưu ý, khi lương tăng cần quan tâm đến thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh cũng phải nghiên cứu. “Khi tăng lương lên 30%, mức sống tăng lên thì giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30%, thậm chí là 50% thì mới hợp lý”.

Phân tích của đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy, trong 20 năm qua chúng ta đã có 14 lần điều chỉnh mức lương cơ sở. Trong đó, có hai lần tăng lương cơ sở làm tăng lạm phát đó là năm 2008 khi tăng lương cơ sở 20%, lạm phát tăng từ 6,3 lên 23%; năm 2011, lương cơ sở tăng 13,7%, lạm phát tăng từ 9,2% lên 16,8%.

Thực tế lạm phát tăng không chỉ do lương cơ sở mà còn do lạm phát thế giới, giá dầu thế giới tăng, tỷ giá tăng… Do đó, trong thời gian tới, ông đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến bốn vấn đề.

Thứ nhất, về chính sách tiền tệ cần linh hoạt theo lạm phát mục tiêu 4% và phải giữ cho được ổn định tỷ giá.

Thứ hai, phải điều chỉnh các hàng hóa dịch vụ nhà nước quản lý như học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh… phải giãn ra, không điều chỉnh cùng một lúc và phải cách xa ngày 1/7.

Thứ ba là chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo cung hàng hóa, không để xảy ra thiếu hàng; thúc đẩy sản xuất.

Thứ tư, quan trọng nhất là phải kiểm soát lạm phát tâm lý, “lạm phát tin đồn, lạm phát domino, té nước theo mưa và phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh những vấn đề liên quan đến pháp luật về giá”.

Giải trình về vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, cải cách tiền lương là vấn đề khó. Trước khi đề xuất tăng lương, Chính phủ đã có đánh giá khả năng CPI tăng khoảng 0,7%, trong khi đó có thể đóng góp vào tăng trưởng GDP 0,21%. Việc tăng CPI chủ yếu là do vấn đề tâm lý, nhu cầu do tăng lương cũng có nhưng không cao. Cung cầu hàng hóa vẫn đáp ứng được, đặt biệt là hàng hóa thiết yếu.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn, mong đại biểu tiếp tục quan tâm đóng góp cho Chính phủ  trong công tác chỉ đạo điều hành chung cũng như về nội dung này”, Phó Thủ tướng chia sẻ./.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm