Quốc hội với Cử tri

Bổ sung cơ chế chính sách đặc thù giúp Nghệ An có thêm động lực phát triển

Nghệ An

Nhiều ý kiến cử tri tại Nghệ An cho rằng những cơ chế, chính sách này là tiền đề quan trọng giúp tỉnh có thêm tiềm lực để phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Quốc hội thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, sáng 26/6.
 Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Ngày 26/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An với số phiếu tán thành đạt 93,21%.

Qua theo dõi phiên làm việc, nhiều ý kiến cử tri tại Nghệ An cho rằng những cơ chế, chính sách này là tiền đề quan trọng giúp tỉnh có thêm tiềm lực để phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Qua đó góp phần giúp Nghệ An đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có khả năng ứng phó và thích ứng có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu.

* Dành nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng

Ông Phạm Hồng Quang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ an cho rằng, đây là những cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để Nghệ An phát triển, đặc biệt các huyện miền núi sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc. Đơn cử như cơ chế bổ sung “Tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An”.

Ông Phạm Hồng Quang cho biết thêm, Nghệ An vẫn còn là tỉnh nghèo, với 11 huyện miền núi, trong đó có 3 huyện thuộc diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ gồm Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong. Địa bàn các huyện miền núi này thường xuyên phải chịu nhiều tác động của thiên tai, lũ lụt; nguồn lực để hỗ trợ đầu tư phát triển vùng miền Tây Nghệ An, nhất là nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng (giao thông, thủy lợi,…) chưa đáp ứng yêu cầu; đời sống nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn, nên cần nguồn lực đầu tư rất lớn.

Khi cơ chế đặc thù được áp dụng để đầu tư các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An thì cũng cần thay đổi tư duy, khắc phục việc làm theo thói quen, lối mòn, chia nhỏ nguồn cho các địa phương, cần dành nguồn lực đầu tư tập trung, khép kín theo lộ trình, hoàn thành địa phương này sẽ triển khai tiếp địa phương khác. Làm như vậy mới đảm bảo hiệu quả cao của nguồn vốn, đồng thời khi thực hiện dự án phải dựa vào nhu cầu thực tế tại các huyện thụ hưởng, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của nguồn vốn, cử tri Phạm Hồng Quang chia sẻ.

* Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí trồng rừng thay thế thu từ các dự án

Cử tri Nguyễn Danh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, trong đó có cơ chế “Cho phép tỉnh được giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thu từ các dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh không có điều kiện tự trồng rừng thay thế phải nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để thực hiện biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên”.

Đây là cơ chế phù hợp, tạo điều kiện cho miền Tây Nghệ An có thêm tiềm lực để phát triển. Bởi hiện tại quỹ đất trống (đất chưa có rừng) đủ tiêu chí, điều kiện theo quy định để thực hiện trồng rừng thay thế của tỉnh rất manh mún, chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện thi công khó khăn. Một số diện tích có điều kiện lập địa chủ yếu là núi đá không có cây hoặc tỷ lệ đá lẫn rất lớn không đủ tiêu chí để trồng rừng. Khó khăn này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, dự án quan trọng quốc gia, dự án cấp thiết trên địa bàn tỉnh.

Cử tri Hùng cho biết thêm: Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 72.113,8 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng có thể áp dụng biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên để đảm bảo tiêu chí thành rừng mà không cần thiết phải thực hiện biện pháp trồng mới rừng. Việc cho phép tỉnh được giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thu từ các dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh không có điều kiện tự trồng rừng thay thế giúp tỉnh sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế trong trường hợp không bố trí được quỹ đất để trồng rừng thay thế, khắc phục hạn chế về quỹ đất trống của tỉnh không đủ tiêu chí, điều kiện để thực hiện trồng rừng thay thế./.

Trịnh Duy Hưng

Tin liên quan

Xem thêm