An sinh

Trợ cấp hưu trí xã hội – giải pháp xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung trợ cấp hưutrí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, thể chế hóa quanđiểm tại Nghị quyết số 28.

Người cao tuổi tập thể dục dưỡng sinh tại hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội)
Ảnh minh họa: Thành Đạt/TTXVN

Tính đến cuối 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Trong đó, tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội chỉ khoảng hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu, gồm 2,7 triệu người hưởng lương hưu, khoảng 630 nghìn người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, hơn 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (trợ cấp người cao tuổi).

Như vậy, vẫn còn khoảng 9,3 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội. Việc phấn đấu đạt được mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu sẽ là một thách thức rất lớn.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có nhiều thay đổi lớn, trong đó có việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, thể chế hóa quan điểm tại Nghị quyết số 28.

Dự thảo luật quy định, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ 75 tuổi trở lên; không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng theo quy định của Chính phủ và có đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn mà không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng theo quy định của Chính phủ và có đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Chính sách trợ cấp hưu trí xã hội đã thể chế hóa một bước chủ trương điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội của Nghị quyết số 28, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Quy định này thể hiện rõ hơn sự kết nối giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội, bảo hiểm xã hội cơ bản, bảo hiểm hưu trí bổ sung, hướng tới bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trong các giai đoạn của cuộc đời khi còn trẻ đến khi về già, hết tuổi lao động. Bên cạnh đó, việc quy định về trợ cấp hưu trí xã hội và mối liên kết với bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng sẽ giúp cho người lao động thấy rõ hơn quyền được lựa chọn và lợi ích khi hưởng trợ cấp hằng tháng thay cho việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Nhằm khuyến khích việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội thay cho việc hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi về già, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, dự luật chỉ quy định độ tuổi để hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là từ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi đối với người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, bổ sung quy định thể hiện liên kết tầng giữa chính sách hưu trí xã hội với bảo hiểm xã hội cơ bản. Điều này cũng giúp người tham gia thấy rõ lợi ích khi bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng chính sách khi không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thay vì trông chờ trợ cấp hưu trí xã hội.

Ông Thạch Phước Bình, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Ảnh: An Đăng/TTXVN

Ông Thạch Phước Bình, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng, quy định trong dự thảo Luật đang xác định đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là đủ 75 tuổi trở lên nếu không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác theo quy định của Chính phủ mức hưởng gồm trợ cấp hằng tháng, bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng. Theo đó, quy định về trợ cấp hưu trí xã hội tại khoản 2 Điều 22 dự thảo có nội dung tương tự chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Người cao tuổi năm 2009. Tuy nhiên, theo Điều 17 Luật Người cao tuổi 2009, trợ cấp xã hội hằng tháng này áp dụng cho người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Người cao tuổi năm 2009 mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, mức hưởng hiện nay là 360 nghìn đồng, còn người cao tuổi từ đủ 75 đến 80 tuổi trong Luật Người cao tuổi năm 2009 phải có điều kiện thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Có thể thấy quy định trên tại dự thảo luật là bước tiến trong bảo vệ, hỗ trợ cho người cao tuổi không có lương hưu. Tuy nhiên, cũng cần xét đến mức hưởng có lợi nhất cho chủ thể để đủ điều kiện áp dụng và cân đối chi phí từ ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, thông tin về tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện nay cũng cần xét đến. Theo Tổng cục Dân số, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi. Do đó, đánh giá thẩm định giới cần tính đến cả bình quân bình đẳng giới với nam giới, tránh tình trạng chính sách hỗ trợ không bao phủ hết đối tượng do chưa đủ điều kiện hưởng thì đã hết thời hạn hưởng. Dự thảo đã có bước tiến khi xác định độ tuổi hưởng mức trợ cấp này thấp hơn mức quy định của Luật Người cao tuổi năm 2009, nên chăng lấy mức tuổi thọ trung bình của người Việt Nam làm căn cứ.

Về ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, dễ gây tâm lý chủ quan cho người lao động cứ rút một lần vẫn sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, vấn đề này về căn bản phải được khắc phục bằng nhiều giải pháp tổng thể, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Và trên thực tế, khoảng cách giữa mức lương hưu do đóng góp, tham gia bảo hiểm xã hội với mức trợ cấp hưu trí xã hội cũng là để người lao động phải cân nhắc việc lựa chọn giữa hai chế độ này.

Quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, trợ cấp hưu trí xã hội là tầng đầu tiên trong hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng theo tinh thần của Nghị quyết số 28, với nguồn lực còn hạn chế của ngân sách Nhà nước thì đây là một sự nỗ lực lớn trong quyết tâm thực hiện chính sách an sinh xã hội và hướng tới các chế độ phúc lợi xã hội tốt hơn.

Ở các địa phương có điều kiện có thể xem xét để cân đối và huy động kết hợp các nguồn lực xã hội khác tại địa phương để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Đây là quan điểm chung trong việc khuyến khích phát huy vai trò của chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc huy động nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội và cũng góp phần giảm bớt áp lực cho ngân sách chung của Nhà nước./.

 

Mai Đức

Tin liên quan

Xem thêm