Cơ quan điều tra đã khởi tố thêm 5 bị can ở Phú Thọ và Vĩnh Phúc do liên quan vụ án ở Tập đoàn Phúc Sơn.
Chiều 26/12, tại họp báo Bộ Công an, đại diện các cục nghiệp vụ của Bộ thông tin về kết quả điều tra một số vụ án về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được dư luận quan tâm.
* Vụ án Phúc Sơn: Khởi tố 5 cựu lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc
Tại họp báo, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03), cho biết đã khởi tố thêm 5 bị can ở Phú Thọ và Vĩnh Phúc do liên quan vụ án ở Tập đoàn Phúc Sơn.
Các bị can bị khởi tố để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Phạm Văn Vọng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Phùng Quang Hùng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Hà Hoà Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Ngô Đức Vượng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ; Nguyễn Doãn Khánh, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ.
Theo Thượng tá Vũ Thanh Tùng, có 38 người đã bị khởi tố trong vụ Phúc Sơn về 5 tội danh: Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Đại diện Cục C03 cho biết, dự kiến đầu quý I/2025 sẽ có kết luận điều tra vụ án.
* Sẽ rà soát các dự án lãng phí để điều tra
Đối với các vụ án về lãng phí, ngày 3/11/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về thăm dò khai thác tài nguyên; Buôn lậu; Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Sản xuất Zirconium và Titanium Hưng Thịnh và các đơn vị liên quan. Cơ quan điều tra đang tiếp tục mở rộng điều tra, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.
Với vụ án xảy ra tại dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, Nghệ An, ngày 31/10/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Hoàng Dân và các đơn vị liên quan. Đến nay đã khởi tố tổng cộng 8 bị can về 2 tội danh: Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (3 bị can); Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (5 bị can). Kết quả ban đầu đã xác định được các sai phạm liên quan đến dự án Hồ Bản Mồng, Nghệ An gây thiệt hại, lãng phí tài sản của nhà nước. Cơ quan điều tra đang củng cố tài liệu, mở rộng điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đây là 2 trong số nhiều vụ án về lãng phí mà Bộ Công an đang quyết liệt chỉ đạo điều tra theo tinh thần Nghị quyết 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí và theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, Bộ Công an đang xây dựng Kế hoạch rà soát toàn bộ các dự án, cụm dự án xảy ra lãng phí, chậm tiến độ kéo dài hoặc không triển khai được để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
*Khởi tố thêm 9 bị can vụ án tại Tạp chí Môi trường và Đô thị
Liên quan đến vụ án tại Tạp chí Môi trường và Đô thị, Đại tá Trần Xuân Ánh, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, cho biết, ngày 25/12, đơn vị đã khởi tố thêm 9 bị can, đồng thời triệu tập 20 đối tượng để mở rộng điều tra. Trong 9 người bị khởi tố có Trưởng Văn phòng đại diện khu vực Tây Bắc Nguyễn Văn Dương và Trưởng Văn phòng đại diện khu vực Tây Nguyên Vũ Đình Đăng. Những người còn lại đều là phóng viên của tạp chí này.
Trước đó, ngày 1/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đồng Xuân Thụ (52 tuổi), Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam. Cùng bị khởi tố, bắt tạm giam còn có bà Nguyễn Thị Ánh Hồng (47 tuổi), Phó Tổng Biên tập; Bùi Văn Toàn (44 tuổi), Trưởng ban Kinh tế, môi trường; Cao Thị Thu Hường (35 tuổi) kế toán và 4 phóng viên để điều tra về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.
Theo kết quả điều tra, từ năm 2020, Đồng Xuân Thụ chỉ đạo thành lập chương trình gây quỹ "Cây chổi vàng", với tôn chỉ tôn vinh, ủng hộ, làm công tác từ thiện giúp đỡ công nhân vệ sinh môi trường toàn quốc có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, thực tế chương trình "Cây chổi vàng" là vỏ bọc để các đối tượng cấu kết cưỡng đoạt tài sản của hàng trăm bị hại trên cả nước, với tổng số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.
Đồng Xuân Thụ và thuộc cấp bị cáo buộc đã chỉ đạo phóng viên, cộng tác viên đi tìm hiểu, nắm bắt các dấu hiệu sai phạm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp..., sau đó đe dọa, đăng tải trên tạp chí này nhằm hạ uy tín, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Nếu không muốn bị đăng bài trên tạp chí, cá nhân, doanh nghiệp phải tham gia chương trình "Cây chổi vàng". Trong các buổi làm việc với người dân, doanh nghiệp trên, các đối tượng luôn mang sẵn hợp đồng "mời tài trợ" cho chương trình. Số tiền các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ, Đồng Xuân Thụ và các đối tượng gần như không thực hiện chi cho hoạt động chương trình "Cây chổi vàng", mà dùng để chia chác, phân bổ cho nhau theo tỷ lệ quy định…/.
- Từ khóa:
- Tập đoàn Phúc Sơn
- Phú Thọ
- Vĩnh Phúc