Chính phủ hành động

Họp báo Chính phủ: Cần đồng bộ các giải pháp phòng, chống cháy nổ ở chung cư mini

Sau vụ cháy ở Khương Hạ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Công an đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, các địa phương cũng đã vào cuộc, tổng kiểm tra rà soát các loại hình hoạt động của chung cư mini.

TTXVN - Chiều 30/9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã thông tin về công tác phòng, chống cháy nổ ở chung cư mini và các chính sách cho nhà ở xã hội.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trả lời câu hỏi của các phóng viên. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

* Cần đồng bộ các giải pháp cho vấn đề cháy nổ ở chung cư mini

Sau vụ cháy ở Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) xảy ra cách đây gần 3 tuần, vấn đề chung cư mini và nhà ở xã hội nhận được nhiều sự quan tâm trong cuộc họp báo Chính phủ. 

Về công tác phòng, chống cháy nổ ở chung cư mini, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, sau vụ cháy ở Khương Hạ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Công an đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, các địa phương cũng đã vào cuộc, tổng kiểm tra rà soát các loại hình hoạt động của chung cư mini và đã phát hiện nhiều sai phạm.

Về giải pháp với chung cư hiện có, Thứ trưởng Sinh cho rằng, giải pháp tổng thể đã có quy định đầy đủ, nhưng việc thực thi ở một số nơi chưa nghiêm túc.

Về các giải pháp với chung cư hiện hữu, theo Thứ trưởng, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm sai phạm của các cấp trong việc đầu tư xây dựng loại hình này. Các địa phương phải đôn đốc chỉ đạo các chủ nhà đầu tư cải tạo, ngăn khu vực để xe dễ cháy nổ với khu dân cư; cải tạo các cầu thang, lối thoát hiểm thuận lợi và an toàn cho người dân. Sau vụ cháy ở Khương Hạ, các địa phương đều đã vào cuộc và có những giải pháp cụ thể, phù hợp.

Giải pháp tiếp theo đưa ra là cần có chỉ đạo về đầu tư trang thiết bị an toàn phòng, chống cháy nổ; tổng rà soát, cải tạo lại hệ thống điện, đảm bảo đủ công suất sử dụng; đầu tư thêm trang thiết bị, công cụ phòng, chống cháy như mặt nạ phòng độc cho người dân, đồng thời, tăng cường tập huấn về phòng, chống cháy nổ, dù quy mô nhỏ.

Bên cạnh đó là vấn đề vận hành chung cư, theo đó, người bảo vệ phải có sức khỏe, kinh nghiệm để ứng phó kịp thời khi cháy nổ xảy ra; phải có nội quy quy định bảo đảm việc vận hành khu chung cư, đảm bảo điều kiện sống thuận lợi, chất lượng cho chung cư.

* Các doanh nghiệp "chưa mặn mà" đầu tư dự án nhà ở xã hội

Liên quan đến chính sách, giải pháp về nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Các doanh nghiệp "chưa mặn mà" đầu tư dự án nhà ở xã hội vì lợi nhuận mỏng, thủ tục chưa thuận lợi.

Quy định hiện nay doanh nghiệp được lợi nhuận định mức 10% với toàn bộ dự án khi làm nhà ở xã hội. Đây là một trong số hỗ trợ từ chính sách, bên cạnh các cơ chế như miễn tiền sử dụng đất, thuế (thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng), ưu đãi lãi suất vay vốn.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn duy trì các hỗ trợ trên và bổ sung chính sách thực chất hơn như được miễn tiền sử dụng đất, thuê đất; doanh nghiệp được dành 20% quỹ đất để phát triển các khu thương mại dịch vụ; địa phương hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Chủ đầu tư cũng được vay nguồn vốn ưu đãi thông qua ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách xã hội. Ngoài ra, doanh nghiệp được hỗ trợ ưu đãi tiếp cận vốn, vay với lãi suất ưu đãi. Riêng với nhà ở xã hội có gói 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1,5-2% so với thị trường.

"Chính sách về tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội được quy định đủ, những khó khăn vướng mắc vừa qua chủ yếu do bố trí nguồn lực", Thứ trưởng Sinh nhận xét.

Trước ý kiến cho rằng nên tăng mức lãi cho doanh nghiệp từ 10% hiện nay lên 15% khi sửa Luật để hấp dẫn các nhà đầu tư, Thứ trưởng Sinh cho hay, nếu nâng lợi nhuận cho doanh nghiệp sẽ khiến giá bán nhà ở xã hội tăng lên. Như vậy sẽ tạo gánh nặng, khó khăn hơn cho người thu nhập thấp - đối tượng được mua nhà ở xã hội. Bản thân các doanh nghiệp cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay sản xuất đầu tư đạt lợi nhuận 10% là quá tốt. "Điều họ cần là cải cách thủ tục hành chính, địa phương chưa vào cuộc giải quyết nhanh trong xử lý các vấn đề liên quan quy hoạch, đất đai" - Thứ trưởng Sinh nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Trao đổi thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Nhà nước thực hiện quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách và thanh kiểm tra. Còn việc đầu tư sẽ do các doanh nghiệp Nhà nước hoặc tư nhân đảm nhiệm để huy động tối đa nguồn lực. Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng bổ sung quy định, địa phương trên cơ sở kế hoạch phát triển nhà ở phải dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội độc lập, hoặc bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại, khu đô thị./.

Xuân Tùng

Xem thêm