Thực thi chính sách

Họp báo Chính phủ: Mặt bằng lãi suất đang giảm

Sau rất nhiều động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ tháng 3 đến tháng 5, mặt bằng lãi suất cũng đã giảm, số liệu gần đây cho thấy lãi suất cho vay của các bảng vay mới bình quân hiện tại khoảng 9,07%, giảm 0,9% so với cuối năm ngoái.

Quang cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN


TTXVN - Chiều 3/6, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, đại diện các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước đã trao đổi, thông tin với báo chí về vấn đề lãi suất, tín dụng; về in sách giáo khoa và đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế.

* Mặt bằng lãi suất đang giảm

Về vấn đề lãi suất và tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, chỉ tiêu tín dụng đầu năm nay Ngân hàng Nhà nước đã công bố tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% và cũng đã phân bổ phù hợp cho từng tổ chức tín dụng có kế hoạch tăng trưởng trong năm. Đến hết tháng 5, tín dụng nền kinh tế về mặt số liệu đạt trên 12,8 triệu tỷ đồng, tức là mức tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022.

Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng thì tăng trưởng mới được khoảng 35% so với mức Ngân hàng Nhà nước đã giao. Nhóm ngân hàng cổ phần chiếm khoảng 44% thị phần đang được khoảng một nửa so với mức được giao. Như vậy cả 2 nhóm này chiếm khoảng 91% thị phần tín dụng, vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng cho thời gian còn lại của năm.

"Nhìn lại giờ này năm 2022, tín dụng tăng xấp xỉ 8% so với cuối năm 2021. Như vậy, trong điều kiện điều hành chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước không thay đổi, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%, năm nay nhích hơn một chút, từ 14% đến 15% mà tín dụng tăng thấp như thế" - Phó Thống đốc phân tích và nhấn mạnh: "rõ ràng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, yếu hơn đáng kể so với năm ngoái".

Phó Thống đốc phân tích các nguyên nhân, trong đó, với các doanh nghiệp sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do thiếu đơn hàng dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Liên quan đến tín dụng bất động sản, nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn, trong đó có khó hhăn về pháp lý, ít có dự án mới triển khai, do vậy nhu cầu tín dụng đối với bất động sản cũng giảm sút.

Từ thực tế đó, Ngân hàng Nhà nước đưa ra các giải pháp. Đối với ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Sau rất nhiều động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ tháng 3 đến tháng 5, mặt bằng lãi suất cũng đã giảm, số liệu gần đây cho thấy lãi suất cho vay của các bảng vay mới bình quân hiện tại khoảng 9,07%, giảm 0,9% so với cuối năm ngoái.

"Với số liệu như thế này, chúng tôi tin tưởng rằng mặt bằng lãi suất đang giảm và cũng sẽ giảm trong thời gian tới", Phó Thống đốc cho biết.

Đối với khoản dư nợ hiện hữu, do khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ cho nên Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức triển khai chính sách này để hỗ trợ các dư nợ đã có đối với doanh nghiệp. Còn dư nợ mới, yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục tích cực cho vay đối với các khách hàng đủ điều kiện.

"Rõ ràng, hệ thống ngân hàng huy động vốn để cho vay, cho nên những khách hàng đủ điều kiện chắc chắn sẽ tiếp cận được vốn tín dụng" - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Ngoài giải pháp ngành ngân hàng, Phó Thống đốc cho rằng giải pháp tăng sức cầu của nền kinh tế rất quan trọng. Do vậy, các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, xúc tiến, tìm kiếm, phát triển, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ, thị trường bất động sản, qua đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như nâng cao năng lực tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.

* Tháo gỡ khó khăn về sách giáo khoa

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn trả lời câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc thiếu sách giáo khoa, nhất là sách giáo khoa lớp 4, 8, 11, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, nguyên nhân một phần do các địa phương năm nay chọn sách chậm, một phần chờ phê duyệt giá ở một vài địa phương. Đến nay, các địa phương đã phê duyệt đầy đủ các loại sách.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần làm việc với Nhà xuất bản Giáo dục để cùng tháo gỡ khó khăn nội bộ, chỉ đạo xây dựng kế hoạch in ấn.

Riêng sách dành cho lớp 4, 8, 11 đều là sách mới, đến ngày 1/6 đã tổ chức mở thầu việc in gần 80% số sách, còn khoảng 20% trên cơ sở các địa phương đã báo về đầy đủ để Nhà xuất bản Giáo dục lên kế hoạch tổ chức in. Trong tháng 6 sẽ in đủ 80% và tiếp tục in hoàn thành để kịp cho năm học mới, đủ sách cho các khối lớp 4, 8, 11. Như vậy sẽ hoàn thành đủ sách cho phổ thông.

Đối với vấn đề biên soạn sách giáo khoa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa, biên soạn, xuất bản in sách giáo khoa là chủ trương lớn đã được đề ra ở Nghị quyết số 88 năm 2014 của Quốc hội. Quốc hội khóa XIV cũng có Nghị quyết số 122, theo đó khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa nếu có một môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất bộ sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước môn học đó.

Tất cả các lớp đã được phê duyệt (9/12 lớp) đều có 3 bộ sách giáo khoa. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện nghiêm Nghị quyết 122 của Quốc hội. Sắp tới sẽ tiếp tục thẩm định và phê duyệt 3 bộ sách cuối cấp là lớp 5, 9, 12 (trong tháng 6 sẽ thẩm định và phê duyệt).

* Đảm bảo đủ thuốc và trang thiết bị y tế

Trao đổi với báo chí về đảm bảo thuốc và trang thiết bị y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Thời gian qua, Bộ Y tế đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn đối với lĩnh vực trang thiết bị y tế, thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm.

Đối với vấn đề về trang thiết bị, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế, trong đó có một số giải pháp để đảm bảo nguồn cung liên quan đến hoạt động nhập khẩu trang thiết bị y tế và đến nay cơ bản đã giải quyết được tình trạng thiếu trang thiết bị y tế liên quan đến thủ tục nhập khẩu.

Về các giải pháp trong thời gian tới, để đảm bảo nguồn cung đối với trang thiết bị y tế, thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rà soát, đề xuất sửa đổi một số nội dung đưa vào dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi lần này để tháo gỡ các khó khăn trong việc mua sắm.

Ngoài ra, với các thuốc đặc biệt hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, Bộ Y tế đã báo cáo, đề xuất Chính phủ và đã được Chính phủ đồng ý xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai dự kiến hình thành 3-6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Đây cũng sẽ là một giải pháp căn cơ để đảm bảo các thuốc đặc biệt hiếm, dùng trong trường hợp khẩn cấp./.


Xuân Tùng

Tin liên quan

Xem thêm