Chính phủ hành động

Họp báo Chính phủ: Tránh gây hoang mang nhưng cũng không chủ quan, lơ là với virus gây viêm phổi

Khuyến cáo người dân thường xuyên cập nhật thông tin chính thức từ Bộ Y tế để tránh gây hoang mang, đồng thời không chủ quan, lơ là; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2024.
Ảnh: Dương Văn Giang - TTXVN

Chiều 8/1, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ, liên quan đến tình hình bệnh do virus gây viêm phổi trên người (hMPV) tại Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện nay, trên hệ thống giám sát và thực hiện ghi nhận từ các kênh báo chí, mạng xã hội có thông tin về các trường hợp mắc bệnh do virus viêm phổi tại Trung Quốc. Kết quả giám sát trọng điểm bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc ghi nhận tác nhân chủ yếu là virus cúm hMPV.

Ngày 4/1/2025, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chính thức thông tin các nhiễm trùng đường hô hấp lây lan ở quốc gia này là bệnh thông thường, đạt đỉnh vào mùa Đông, không phải là sự kiện y tế bất thường. Virus hMPV lây qua đường hô hấp, giọt bắn, khi nhiễm có biểu hiện như cảm lạnh thông thường (sốt, ho, nghẹt mũi), có thể gây ra các biến chứng viêm phổi, viêm phế quản, khả năng mắc bệnh cao với trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người có bệnh lý do hệ thống miễn dịch kém.

Các cơ quan y tế tại Trung Quốc xác nhận rằng hệ thống y tế nước này không bị quá tải, tỷ lệ sử dụng bệnh viện hiện tại thấp hơn thời điểm này năm ngoái và không có tuyên bố hoặc đáp ứng khẩn cấp nào được thực hiện.

Tổ chức Y tế đánh giá, các đợt dịch theo mùa do các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp thường xảy ra trong mùa Đông tại các khu vực có khí hậu ôn đới. Tổ chức này cũng khuyến cáo người dân và các quốc gia trong giai đoạn mùa Đông thực hiện các biện pháp cơ bản để ngăn chặn sự lây lan và giảm thiểu các rủi ro do các bệnh lây qua đường hô hấp, nhất là đối với nhóm dễ bị tổn thương; khuyến cáo không áp dụng bất kỳ hạn chế nào về giao thương, đi lại liên quan đến xu hướng của các bệnh đường hô hấp cấp tính hiện nay.

Trước tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế đã chủ động theo dõi, cập nhật qua hệ thống giám sát và được thực hiện hàng ngày, có sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ của Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay, nước ta cũng đang chuyển sang mùa Đông – Xuân, thuận lợi cho các virus phát triển, trong đó có virus liên quan đến đường hô hấp trên. Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo và thông điệp để người dân chủ động các biện pháp phòng, chống dịch mùa Xuân, gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố để triển khai thực hiện.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân thường xuyên cập nhật thông tin chính thức từ Bộ để tránh gây hoang mang, đồng thời không chủ quan, lơ là; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế như ăn chín, uống sôi, vận động nâng cao thể chất, sức khỏe, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng khẩu trang nơi công cộng và khu vực tập trung đông người, đặc biệt là giữ ấm khi ra trời lạnh, đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch. Khi có dấu hiệu bệnh, người dân đến các cơ sở y tế khám, phát hiện và có hướng dẫn dự phòng, điều trị đảm bảo đúng yêu cầu chuyên môn, tránh tình trạng lạm dụng thuốc, sinh ra kháng thuốc, đặc biệt là kháng kháng sinh, gây khó khăn cho quá trình điều trị. 

Đề cập đến tiến độ xây dựng hai dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, dự án được triển khai năm 2014 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng quyết định đầu tư hai dự án này là phù hợp với chủ trương chung về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, với 3 mục tiêu: Đưa dịch vụ y tế có chất lượng cao về gần dân; người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cao một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất; giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương.

Trong quá trình triển khai các dự án đã gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhà thầu đã tạm dừng thi công. Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan đã tích cực nghiên cứu, rà soát, đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Năm 2023, Thủ tướng đã quyết định thành lập tổ công tác để tham mưu các giải pháp, do Bộ trưởng Y tế làm tổ trưởng. Từ tháng 2/2023 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Y tế đã tổ chức trên 20 cuộc họp tìm các giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc. Riêng Thủ tướng đã chủ trì 3 cuộc họp Thường trực Chính phủ, các Phó Thủ tướng chủ trì nhiều cuộc họp để nghe Bộ Y tế báo cáo.

Đến nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ Y tế và tổ công tác đã hoàn thiện phương án để giải quyết các khó khăn, vướng mắc này và đã trình Chính phủ ngày 6/1 vừa qua.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, từ đầu tháng 11/2024, các nhà thầu bắt đầu triển khai thi công trở lại. Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư, các đơn vị thi công, tích cực phối hợp các bộ, ngành triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sau khi được cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo.

“Chúng tôi cố gắng đảm bảo hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động trong năm 2025”, ông Đỗ Xuân Tuyên nói./.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm