Thủ tướng Chính phủ: Cần nghiên cứu để đưa ra chính sách bảo hiểm nông nghiệp hiệu quả
Khẳng định, thực tế việc sử dụng khai thác đất nông lâm trường đang rất lãng phí, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, khảo sát, báo cáo lại nguồn đất đai này một cách nghiêm túc.
Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2024 tổ chức ngày 31/12, người đứng đầu Chính phủ đã trả lời nhiều câu hỏi, thắc mắc của người nông dân liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp; trong đó nhấn mạnh, các bộ, ngành cần nghiên cứu để đưa ra chính sách bảo hiểm nông nghiệp đạt hiệu quả và đi vào cuộc sống.
Cần có quyết sách mạnh để khai thác hiệu quả đất lâm trường
Nêu câu hỏi tại Hội nghị, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Huy Long An cho rằng, gần đây, Trung ương đưa ra nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng, đặc biệt là đưa Luật Đất đai vào thực tế sớm hơn dự kiến.
Tuy nhiên, theo ông Võ Quan Huy, từ hơn 20 năm trước, Đảng và Nhà nước có chính sách vận động thành lập nông lâm trường, đưa dân đến khai hoang sản xuất, giao khoán trả sản phẩm. Sau đó, mô hình này hoạt động không hiệu quả, dẫn đến thoái trào, giải thể, chuyển về địa phương quản lý, nông dân vẫn canh tác, trả tiền thuê đất theo quy định của chính quyền địa phương.
Ông Huy cho biết, theo quy định mới, muốn thuê đất thuộc diện này, cũng phải thực hiện đấu giá, nên các địa phương đang rất khó thực hiện vì nông dân đã đầu tư cho đồng ruộng rất tốn kém, thậm chí bỏ tiền khai hoang từ nhiều năm. Nếu tiến hành đấu giá, thì phải thực hiện việc thu hồi, chuyển đổi vị trí người nông dân đang sản xuất, rất khó cho địa phương và người dân. Ông Võ Quan Huy kiến nghị, cần xây dựng công thức thu tiền sử dụng đất nông nghiệp cho từng loại đất có cải tiến để ổn định sản xuất cho nông dân.
Về khoa học công nghệ, ông Huy cho rằng, đây là yếu tố mấu chốt nhằm đưa nông dân nước ta tiến vào kỷ nguyên vươn mình, làm sao có thể số hóa nhà nông; đồng thời kiến nghị Chính phủ có những chương trình đầu tư mang tính chất dẫn dắt. Ví dụ hiện nay trong thu hoạch rừng, cao su cành vụn rất nhiều nhưng chưa có ai đầu tư máy móc để thu gom, băm vụn. Nếu có máy móc thì sẽ cải thiện vấn đề môi trường, thất thoát sau thu hoạch…
Trả lời một số vấn đề ông Võ Quan Huy đưa ra, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là 3 trụ cột chính trong quá trình phát triển đất nước. Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đặt ra yêu cầu xây dựng một chương trình thông minh trong nông nghiệp; nền tảng học tập số, kỹ năng số cho nông dân, hay nói cách khác là “số hóa” nhà nông; tư vấn cho nông dân qua một trợ lý ảo, app hỏi đáp; xây dựng các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng truy xuất nguồn gốc thuận lợi để giúp bà con nông dân xác nhận sản phẩm do mình làm ra.
Với ứng dụng này, bà con có thể chứng minh được quả cà chua tại vườn nhà mình có sự khác biệt, chất lượng, duy nhất như thế nào so với quả cà chua của nhà khác. Đặc biệt, Nghị quyết dành tới 3% ngân sách nhà nước hàng năm cho đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Nghị quyết cũng yêu cầu trợ giúp bà con làm ăn kinh doanh để bà con trở thành doanh nghiệp một cách dễ dàng hơn, ví dụ cần 10 việc thì phần mềm số có thể giải quyết được 7-8 việc.
Giải đáp kiến nghị của ông Võ Quan Huy về vấn đề đất đai ở nông lâm trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đây là vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương. Trước đây, ở một số nơi hình thành các nông lâm trường rồi giao đất cho cán bộ, nhân viên của nông lâm trường sản xuất. Tuy nhiên, cán bộ các nông lâm trường không sử dụng lại giao tiếp cho người khác, giao tới 5-6 lượt nên dẫn đến khó quản lý.
Khẳng định, thực tế việc sử dụng khai thác đất nông lâm trường đang rất lãng phí, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, khảo sát, báo cáo lại nguồn đất đai này một cách nghiêm túc. Thủ tướng nhấn mạnh, phải có quyết sách rất mạnh mới khai thác được nguồn đất đai này hiệu quả.
Nếu gặp khó khăn, nông dân có thể gặp Bộ trưởng
Đặt câu hỏi tại Hội nghị, bà Hoàng Thị Gái - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) cho biết, bão số 3 (Yagi) vừa qua đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho ngành nông nghiệp, nhiều nông dân bị thiệt hại hàng tỷ đồng. Tại Hội nghị này, bà Gái mong muốn được giải đáp những thắc mắc liên quan đến những vấn đề nông nghiệp mà nhiều nông dân quan tâm như: Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh không còn phù hợp với thực tế, cụ thể là Nghị định 02 của Chính phủ về hỗ trợ rủi ro thiên tai, có quy định mức hỗ trợ tối đa cho 1ha cây trồng bị thiệt hại trên 70% chỉ được 2 triệu đồng, nếu chia bình quân ra chỉ được 75.000 đồng/sào. Chính phủ đã và sẽ có những chỉ đạo gì để các ngân hàng thương mại giãn, hoãn các khoản vay cũ, đồng thời cho vay mới để người nông dân kịp thời khôi phục sản xuất.
Theo bà Gái, sau thiên tai, bảo hiểm nông nghiệp là hết sức cần thiết, nhất là đối với những hộ sản xuất lớn. Tuy nhiên, hiện việc tiếp cận dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp còn nhiều khó khăn.
Trả lời câu hỏi của nông dân Hoàng Thị Gái, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng có những biện pháp trực tiếp để thực hiện việc giãn, hoãn các khoản nợ đến hạn, khoản lãi đến hạn phải trả để hỗ trợ cho bà con. Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hội nghị với 26 tỉnh, thành phố để bàn câu chuyện làm thế nào có vốn khắc phục sản xuất cho rất nhiều hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nuôi trồng thủy, hải sản ở Quảng Ninh, Hải Phòng…
Ông Đào Minh Tú cho biết, những khoản nợ, lãi sẽ được giãn, hoãn từ 2 đến 3 năm tùy theo điều kiện thực tế. Ngoài chính sách chung có những chính sách rất cụ thể về hỗ trợ vốn cho bà con, cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Những doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân nào gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, không được thụ hưởng chính sách công khai này, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng đón nhận các ý kiến, đề xuất để chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai một cách tốt nhất, để đưa chính sách đến các đơn vị thụ hưởng…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nếu gặp vấn đề gì nông dân có thể gặp Bộ trưởng, các cấp chính quyền để tư vấn cho bà con, tuy nhiên phải lập được kế hoạch, từ kế hoạch đó mới tính toán ra được nguồn lực, nhà kho, nhà xưởng, quy mô đất đai, thị trường ở đâu, liên kết doanh nghiệp nào…
“Bà con cũng cần nâng cao năng lực cùng với Hội Nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan để thực hiện” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay: Trong năm 2024, các gói tín dụng cho thủy sản, gỗ đã được triển khai rất tốt. Ngay sau bão Yagi, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải xuống ngay Hải Phòng, Quảng Ninh khảo sát thực tế và chỉ mấy ngày sau Chính phủ đã có nghị quyết về chính sách tín dụng, bảo hiểm với nông nghiệp - lĩnh vực thiệt hại nặng nề nhất do bão.
"Sau bão chúng ta mới thấy bảo hiểm nông nghiệp rất quan trọng, theo đó, các bộ, ngành cần nghiên cứu để đưa ra chính sách bảo hiểm nông nghiệp đạt hiệu quả và đi vào cuộc sống thực tế giúp nông dân", Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ./.