Bốn đặc trưng đưa một dân tộc đi đến thành công: xúc cảm dân tộc, tính khai sáng, cải cách xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, kiến tạo.
"Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc – Cơ hội và thách thức", đây là chủ đề cuộc Tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 27/12. Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã hệ thống hóa, phân tích, nhận định, kiến giải, luận bàn nhiều nội dung, cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới.
Nói về thông điệp “kỷ nguyên vươn mình”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương cho biết, thông điệp, tư tưởng lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm đã được Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương vừa qua hoàn toàn nhất trí và quyết định đưa vào văn kiện của Đại hội tới để lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực sự bước vào với khí thế tăng tốc, bứt phá và đổi mới quyết liệt, để tạo ra bước phát triển bứt phá nhảy vọt.
“Tôi thấy tạo ra một sự hứng khởi chưa từng thấy sau khi có thông điệp của Tổng Bí thư”, ông nói.
Chia sẻ, đến thời điểm này, cụm từ "kỷ nguyên mới" rất truyền cảm hứng, được nhân dân đón nhận, tin tưởng, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích, sau gần 40 năm đổi mới chúng ta phải bứt phá để vươn lên chứ không thể chùng chình. Cụm từ "kỷ nguyên mới", "kỷ nguyên vươn mình" rất rõ: Phải vươn lên để bứt phá chứ không thể bình bình, tịnh tiến từ từ.
Cụm từ "vươn mình" như một sự nhắc nhở, cảnh báo chúng ta phải bứt phá, nếu không chúng ta vẫn có thể phát triển nhưng luẩn quẩn ở mức dưới 10.000 USD/người/năm và không thể gia nhập được nhóm các quốc gia phát triển, không thể hiện thực hóa được tầm nhìn 2045 là thay đổi vị thế của quốc gia, của dân tộc trên trường quốc tế.
Từ Singapore, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu cho hay, thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có tính chiến lược, vừa có tính đột phá. Tính chiến lược là sự lựa chọn quả cảm đưa đất nước tiến lên ở mức độ cao vượt bậc trong thời gian tới.
“Tính chiến lược trong thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam trong thời gian vừa qua là rất đáng quý, có những điều rất kỳ vĩ. Ở Singapore, chúng tôi rất trân trọng”, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương cho biết.
Vị Giáo sư này nói về ba thuộc tính của đột phá mà ông cho rằng rất hay. Thứ nhất là đánh vào xúc cảm của con người, làm cho lòng người trỗi dậy. Lần đầu tiên người Việt Nam như tìm thấy "nỏ thần" của mình, đó là tinh thần dân tộc muôn người như một. Điểm thứ hai là chúng ta nắm xu thế của thời đại. Thời đại đi nhanh và chúng ta nắm rất nhanh, giống như xuôi chiều gió để đi. Thuộc tính thứ ba của đột phá là chọn thiết chế, để tạo ra sức mạnh cộng hưởng, sức mạnh nội sinh, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Đó là tinh thần của Điện Biên Phủ.
“Thông điệp của Tổng Bí thư rất rõ ràng. Điểm đặc sắc trong thông điệp của Tổng Bí thư không chỉ là nội dung mà còn cả hành động. Cuộc điện đàm của Tổng Bí thư với Thủ tướng Singapore tuần trước rất ấn tượng. Lãnh đạo Singapore rất trân trọng và mời Tổng Bí thư sang thăm Singapore trong thời gian sớm nhất. Hay các chuyến thăm của Tổng Bí thư sang các nước thể hiện một nhà lãnh đạo vì dân, vì nước, nỗ lực mở ra kỷ nguyên mới. Người Việt Nam ở xa Tổ quốc như tôi cảm thấy vô cùng tự hào và có niềm tin”, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương nói.
Ông cũng phân tích về bốn đặc trưng để đưa một dân tộc đi đến thành công: xúc cảm dân tộc, tính khai sáng, cải cách xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, kiến tạo. Liên tưởng đến hình tượng Thánh Gióng “vươn mình”, ông đưa ra 3 điểm của Thánh Gióng. Thứ nhất là phải tìm đến người tài, vượt ra khỏi suy nghĩ thông thường, phải suy nghĩ đột phá; thứ hai là phải dựa vào dân; thứ ba là dựa vào thế hệ trẻ. Tính thực tế của Việt Nam trong hai thập kỷ tới hoàn toàn có thể đạt được, vì chúng ta đã có vị thế và tiềm lực rất tốt. Việt Nam chuẩn bị khá tốt để bước vào công cuộc này.
Đề cập đến tinh gọn bộ máy, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Duy Quát, giảm đầu mối chỉ là cách cơ học. Cần tập trung phương thức lãnh đạo để tinh gọn một cách khoa học, để có bộ máy với cơ chế vận hành trơn tru. "Tinh giản bộ máy con người thì đáng lo nhất hiện nay là người giỏi, người tốt có khi lại ra và người lười biếng, bất tài ở lại". Cần lấy các nhiệm vụ, công việc của từng vị trí để chọn người có đức, có tài, đáp ứng nhiệm vụ, thậm chí không nhất thiết phải là đảng viên.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, nếu Đảng quyết định chủ trương, chính sách thì người tài trong Đảng phải là những chính khách tài giỏi, người có tầm nhìn đúng, biết xác lập ưu tiên của dân tộc, thúc đẩy những chính sách đưa lại sự vươn mình mạnh mẽ của dân tộc. Những người đó nên ở trong bộ máy lãnh đạo Đảng. Có những vị trí cần những nhà kỹ trị. Chính sách thì phải từ những người lãnh đạo của Đảng, còn thực thi chính sách phải là những nhà kỹ trị và các nhà kỹ trị phải có chuyên môn, phải giỏi./.