Chính phủ hành động

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Ngành Công Thương khẩn trương triển khai chủ trương khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Ninh Thuận

Ngành Công Thương đã đề xuất, tham mưu các cấp có thẩm quyền thông qua nhiều chủ trương, văn bản pháp luật để tái khởi động Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện năng, năng lượng tái tạo.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo Hội nghị. 
Ảnh: Uyên Hương - TTXVN

Chiều 23/12, dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chia sẻ về những đặc điểm lớn tác động đến không chỉ nước ta mà cả trong triển khai công tác của ngành Công Thương như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, rủi ro, mong manh dễ vỡ; những vấn đề mới về an ninh phi truyền thống tiếp tục gay gắt; các vấn đề trong nội tại nền kinh tế nước ta.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và hiện nay là Tổng Bí thư Tô Lâm, sự chủ động, hiệu quả của Quốc hội trong hoàn thiện thể, tăng cường công tác giám sát, sự quyết liệt, bản lĩnh, sáng tạo, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần trên dưới đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vượt bậc của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và của toàn dân, nước ta đã vượt khó, tranh thủ những thuận lợi và đi lên, đạt kết quả quan trọng, đóng góp vào việc hoàn thành mục tiêu chung của năm. Năm 2024 đã đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7%.

Đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế

Trong thành tích chung của cả nước, có đóng góp rất quan trọng của ngành Công Thương, trong đó nổi bật nhất là việc Bộ hoàn thiện thể chế chính sách và khung khổ pháp lý; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời kiến tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Công cuộc đổi mới bước vào giai đoạn mới, bước ngoặt, cần phải tạo ra được thể chế, cơ chế chính sách để chúng ta vươn lên”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông ghi nhận ngành Công Thương đã tạo sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) trong 1 kỳ họp. Đồng thời, đề xuất, tham mưu các cấp có thẩm quyền thông qua nhiều chủ trương, văn bản pháp luật để tái khởi động Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện năng, năng lượng tái tạo; trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách tạo đột phá chiến lược cho phát triển năng lượng tái tạo; tích cực hoàn thiện quy định về quản lý xăng dầu.

Bộ đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện thành công các dự án trọng điểm có ý nghĩa chiến lược như dự án Đường dây 500KV mạch 3. “Thủ tướng Chính phủ đã nêu rất nhiều lần, đây là một điển hình, quyết tâm rất lớn, được triển khai rất bài bản, rất quyết liệt và thành công, là bài học cho những dự án trọng điểm chiến lược khác, nhất là trong ngành năng lượng thời gian tới”, Phó Thủ tướng ghi nhận.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng điểm ra một số kết quả như sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ; lập kỷ lục mới trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với tổng kim ngạch 800 tỷ USD. Khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống thông qua các hiệp định thương mại tự do đã có. Ngoài ra, tiếp tục đột phá vào các thị trường mới nhiều tiềm năng và đã thành công như Trung Đông, tới đây là Mỹ La tinh, Nam Phi, Nam Á.

Cho rằng, ngành Công Thương có nhiều nỗ lực trong củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng ngành phát triển trong tình hình mới, Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Công Thương đã chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW với việc đề xuất giảm 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ.

Quang cảnh Hội nghị. 
Ảnh: Uyên Hương - TTXVN

Tạo môi trường pháp lý minh bạch

Chỉ ra các vấn đề còn tồn tại, bất cập, Phó Thủ tướng lưu ý, năm 2025, cơ hội cơ bản giảm, thách thức ngày càng tăng, nên công tác nghiên cứu, tham mưu càng phải làm tốt. Cần tập trung bứt tốc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025, chuẩn bị củng cố các yếu tố nền tảng làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình vì mục tiêu giàu mạnh, phồn vinh và hạnh phúc mà Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhắc đến.

Nêu mục tiêu cụ thể Đại hội XIII đặt ra, Phó Thủ tướng cho rằng, mục tiêu này rất cao, đòi hỏi nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp. Phải có giải pháp rất cụ thể với quyết tâm cao, sự thống nhất, đoàn kết để giải phóng nguồn lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong tiến trình này, yêu cầu thực tiễn cũng như kỳ vọng của đất nước đòi hỏi ngành Công Thương có vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nhấn mạnh muốn giải phóng được nguồn lực, thu hút đầu tư, theo Phó Thủ tướng, việc đầu tiên là phải tạo môi trường pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch, khơi thông được rào cản, thúc đẩy phát triển công nghiệp. Theo đó, cần xác định công tác xây dựng thể chế chính sách là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó cần khẩn trương triển khai cụ thể Luật Điện lực (sửa đổi) và chủ trương về khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; triển khai cụ thể Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong các dự án năng lượng tái tạo…

Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành rà soát, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển các ngành công nghiệp để nâng cao năng lực độc lập, tự chủ của nền sản xuất Việt Nam. Phát triển ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ có giá trị gia tăng cao, phát thải carbon thấp, ban hành cơ chế khuyến khích đủ mạnh để phát triển lĩnh vực ưu tiên của ngành công nghiệp trọng điểm như luyện kim, cơ khí, cơ khí chế tạo, công nghiệp điện tử, bán dẫn, phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng hydrogen, hệ sinh thái công nghiệp hàng hải, đường sắt tốc độ cao…

Phó Thủ tướng cũng nhắc đến việc triển khai các dự án bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, điều chỉnh quy hoạch Điện 8 phù hợp với xu hướng chung của thế giới; tăng cường khả năng hợp tác mua bán điện với các nước láng giềng; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, chỉ đạo các cơ quan thương vụ phối hợp chặt với cơ quan ngoại vụ tiến hành các biện pháp tiếp xúc mở rộng, đa dạng hóa thị trường, bám rễ thị trường, tránh tình trạng phụ thuộc lớn vào một thị trường…

Trong sắp xếp bộ máy, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ triển khai khẩn trương đề án sắp xếp sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhanh chóng ổn định tổ chức, bảo đảm không gián đoạn trong triển khai nhiệm vụ. Cơ cấu tổ chức mới phải hiệu quả, hiệu lực hơn cơ cấu tổ chức cũ. Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý lãnh đạo Bộ hết sức quan tâm quán triệt các yêu cầu nhiệm vụ, tạo sự đồng thuận, ổn định về tâm lý, giải quyết thỏa đáng chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp.

Năm 2024, ngành Công Thương đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Nổi bật là tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách với Luật Điện lực (sửa đổi) và nhiều chính sách mới, tái khởi động các dự án điện hạt nhân; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, tạo đột phá chiến lược cho phát triển năng lượng. Các cân đối lớn được bảo đảm, nhất là an ninh năng lượng và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu đầu vào...

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao; cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4%, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10% (so với năm 2023 chỉ dưới 1%), tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô./.

Chu Thị Thanh Vân

Xem thêm