Xã hội

Họp báo về Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028

Hà Nội

Trong nhiệm kỳ tới, công đoàn Việt Nam tiếp tục chú trọng vào việc hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động đang bị thất nghiệp; đóng góp tiếng nói giải quyết vấn đề tiền lương, nhà ở….

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại buổi họp. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chủ trì họp báo thông tin về Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra từ 1-3/12 tại Hà Nội.

Theo đó, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028 với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển” triệu tập 1.100 đại biểu đại diện cho hơn 11 triệu đoàn viên trong cả nước. Đại hội diễn ra vào thời điểm đoàn viên, người lao động cả nước cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, khắc phục mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.

Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; xác định mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2023 - 2028; kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII, bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII; đánh giá việc thi hành và thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).

Tại họp báo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Nguyễn Mạnh Kiên cho biết, một điểm mới trong cách thức tổ chức Đại hội là mở 10 diễn đàn chuyên đề để thảo luận, đề xuất sáng kiến cho 10 vấn đề lớn đặt ra đối với tổ chức công đoàn. Các diễn đàn được tổ chức trước ngày Đại hội chính thức diễn ra nhằm sớm thu thập các ý kiến, đề xuất để tổng hợp, tiếp thu vào văn kiện đại hội và hình thành các giải pháp tổ chức thực hiện nghị quyết.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Năm năm qua, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, hoạt động công đoàn tiếp tục có bước chuyển quan trọng, nhất là trong việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động đạt kết quả nổi bật, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Đặc biệt, 5 năm qua đã đề xuất nâng mức lương tối thiểu vùng tăng 25,34%. Hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể được tăng cường, có nhiều đổi mới. Trong nhiệm kỳ đã ký mới 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.550 bản, đạt tỷ lệ 72,12% tổng số doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở; có 22 bản thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp với 224 doanh nghiệp, đơn vị tham gia, 119.336 người lao động được thụ hưởng.

Các cấp công đoàn đã tổ chức sâu rộng các mô hình chăm lo đoàn viên, người lao động, ban hành nhiều chính sách lớn hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19, mất hoặc giảm việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, người lao động. Trong nhiệm kỳ, hơn 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được thăm hỏi, chúc Tết, động viên, tặng quà nhân dịp “Tết Sum vầy” với trên 28 nghìn tỷ đồng; thăm hỏi, hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền hơn 3.600 tỷ đồng; Chương trình “Mái ấm Công đoàn” hỗ trợ hơn 14 nghìn người lao động xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng cùng hàng vạn ngôi “nhà tình nghĩa”, “nhà đại đoàn kết”…

Đặc biệt, Diễn đàn Người lao động 2023 lần đầu tiên được tổ chức dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội, sự tham dự của 500 đại biểu cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động cả nước đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp.

Đối với nhiệm kỳ 2023 - 2028, Công đoàn Việt Nam đặt chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ, cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn, thành lập tổ chức cơ sở ở 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên; ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện được công đoàn thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật; ít nhất 90% số vụ việc tranh chấp tại tòa án của đoàn viên có yêu cầu đại diện công đoàn tham gia hoặc hỗ trợ về pháp lý được đáp ứng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, một trong những hoạt động trọng tâm của tổ chức công đoàn trong nhiệm kỳ qua chính là đối thoại với chủ doanh nghiệp để đòi quyền lợi cho người lao động. Các cuộc ngừng việc tập thể đã giảm đáng kể trong thời gian qua. Đây là đóng góp đáng kể của tổ chức công đoàn Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ người lao động.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định trong nhiệm kỳ tới, công đoàn Việt Nam tiếp tục chú trọng vào việc hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động đang bị thất nghiệp; đóng góp tiếng nói giải quyết vấn đề tiền lương, nhà ở…. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối thoại, thương lượng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động…/.


Đỗ Bình

Xem thêm