Xã hội

Màu xanh no ấm hồi sinh vùng đất mỏ

Tuyên Quang

Xã Kháng Nhật có 994 hộ thì có đến hơn 90% số hộ dân duy trì, phát triển nghề trồng rừng, nhiều gia đình làm giàu từ rừng, có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

Xã Kháng Nhật đang đổi thay nhờ trồng rừng. (Ảnh: Quang Cường)

TTXVN - Xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang từng được biết đến là “thủ phủ” khai thác khoáng sản của miền Bắc. Đã có thời điểm do chịu tác động của hoạt động khai thác khoáng sản, những khu đồi ở đây trở nên trơ trọi, khô cằn tưởng chừng không thể lành lại được nhưng bằng sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như bàn tay cần cù lao động của người dân quyết tâm phủ xanh đồi, núi trọc. Đến nay Kháng Nhật đã trở thành địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế rừng, người dân làm giàu cho rừng, làm giàu cho chính gia đình và quê hương.

Ông Đỗ Văn Lý, thôn Khuôn Phầy, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) chăm sóc mảnh rừng của gia đình. (Ảnh: Quang Cường)

Từng có thời gian dài làm việc trong một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác mỏ hơn ai hết ông Đỗ Văn Lý ở thôn Khuôn Phầy, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương chứng kiến những quả đồi bị đào xới loang lổ, nguy cơ trở thành “đất chết” nếu không có giải pháp để hồi sinh. Sau khi nghỉ việc lái xe công trường khai thác quặng, ông Lý đã quyết định trồng rừng để phát triển kinh tế gia đình đồng thời phủ xanh những quả đồi trơ trọi, cải tạo lại môi trường.

Ông Lý chia sẻ, gia đình ông bắt đầu trồng rừng từ những năm 1990-1991 khi ấy còn khá mới mẻ ở địa phương không ai nghĩ trồng rừng có thể làm giàu được. Công cuộc “trồng cây gây rừng” ban đầu cũng rất vất vả đòi hỏi sự cần cù, chịu khó lao động không ngại khó không ngại khổ, trồng rừng không cho thu hoạch ngay nhưng ông coi đó như là “của để dành” cho mai sau. Bằng chứng là qua mấy đợt bán rừng gia đình ông đã thu về cả vài trăm triệu đồng, cuộc sống khá lên đó.

Nhờ trồng rừng, gia đình ông Nguyễn Xuân Trường, thôn Khuôn Phầy, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) có cuộc sống ấm no. (Ảnh: Quang Cường)

Cách đồi nhà ông Lý không xa là khoảnh rừng trồng gỗ keo, gỗ bồ đề của gia đình ông Nguyễn Xuân Trường, thôn Khuôn Phầy. Nhờ phát triển nghề trồng rừng mà gia đình ông Trường đã nuôi được 2 người con đi học đại học giờ đã có công ăn việc làm ổn định, xây được nhà khang trang trị giá trên 700 triệu đồng. Ông Trường phấn khởi cho biết, trồng rừng mang lại nhiều lợi ích, vừa giúp cải tạo đất trống đồi trọc, giữ nước, chống xói mòn, lũ lụt, tạo không khí mát mẻ... So với các loại cây ngắn ngày thì trồng rừng vẫn mang lại giá trị cao và bền vững hơn.

Không chỉ có gia đình ông Lý, ông Trường mà trong xã Kháng Nhật còn có rất nhiều gia đình làm giàu từ rừng, có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Phúc Thịnh, thôn Bờ Hồ; Trương Văn Lìn, thôn Gốc Mít; Trần Văn Bắc ở thôn Lẹm…

Gia đình ông Trần Văn Bắc hiện nay có trên 17 ha rừng keo, mỡ và bồ đề. Nhìn những khoảng rừng xanh ngắt không ai nghĩ trước đây là những đồi đất đá loang lổ sau khai thác quặng. Gia đình ông đã phải mất nhiều năm trời cải tạo để có thể trồng được cây, trả lại sự màu mỡ cho đất. Gia đình ông Bắc phải thuê máy móc về cậy từng hòn đá rồi đào hố chôn xuống, lấy đất màu, đất vụn cho lên mặt để trồng cây. Ông Bắc cho biết, khi ấy tính ra tiền cải tạo đất mất khoảng 40 triệu đồng mỗi ha còn đi mua đất đồi đẹp trồng cây được ngay chỉ có 30 triệu nhưng mình chót theo lao rồi nên phải đánh liều đi vay ngân hàng quyết tâm làm đến nơi đến chốn. Nhờ cải tạo đất, chăm sóc cây tốt nên gia đình tôi cũng đã thu hoạch được 2, 3 đợt, tính trung bình khi thu hoạch cũng mang lại thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng từ mỗi ha rừng trồng.

Cũng theo ông Bắc thì phát triển nghề trồng rừng đòi hỏi nhiều công sức nhưng bù lại rừng không phụ công của nhà nông, tính ra khoảng thời gian chờ rừng có thu hoạch, mọi người vẫn tranh thủ đi làm những việc khác, đi lao động ở những khu, cụm công nghiệp để tăng thu nhập cho gia đình. Khi rừng đến tuổi thu hoạch sẽ đem về một khoản tiền lớn, việc thoát nghèo, làm giàu từ rừng không khó.

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2030, Đảng ủy xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương đã ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, trong đó xác định trồng rừng, phát triển kinh tế rừng là một thế mạnh của địa phương giúp nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Xã Kháng Nhật cũng đã triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đối với người trồng rừng như: tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi phát triển nghề trồng cây lâm nghiệp, hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao theo Nghị quyết số 03 năm 2017 của HĐND tỉnh…

Vùng đất mỏ Kháng Nhật năm xưa giờ đã được phủ xanh bởi những cánh rừng. (Ảnh: Quang Cường)

Hiện nay toàn xã Kháng Nhật có 994 hộ thì có đến hơn 90% số hộ dân duy trì, phát triển nghề trồng rừng, nhà ít cũng vài ha, nhà nhiều trên 20 ha, mỗi năm xã trồng cây mới từ 65 đến 75 ha, tổng diện tích đất rừng sản xuất là hơn 2.100 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 75%.

Ông Kiều Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương cho biết, hiện nay xã đang tiếp tục tăng cường các giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân. Với sự đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã, đặc biệt là triển khai hiệu quả, sáng tạo các nhiệm vụ, mục tiêu gắn với thực tiễn của địa phương, trong đó có phát triển lâm nghiệp bền vững đã và đang tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả. Từ đó đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân, xây dựng xã Kháng Nhật ngày càng phát triển hơn nữa, phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm nay.

Nhờ phát triển nghề trồng rừng kết hợp với chăn nuôi sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp, chất lượng cuộc sống của người dân xã Kháng Nhật ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo có thời kỳ giảm xuống dưới 3%. Theo chuẩn nghèo mới áp dụng giai đoạn 2021 - 2025 tỷ lệ hộ nghèo toàn xã tăng lên trên 26% do vậy với nhiều giải pháp trọng tâm đã triển khai, xã phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 11,53% vào cuối năm nay và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 6% vào năm 2025./.

Quang Cường

Xem thêm