Xã hội

Bảo tồn và phát triển các làng nghề trên địa bàn Tuyên Quang

Tuyên Quang

Tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện bảo tồn và phát triển các làng nghề trên địa bàn nhằm giữ gìn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.

TTXVN - Tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện bảo tồn và phát triển các làng nghề trên địa bàn nhằm giữ gìn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, sử dụng triệt để nguồn lao động tại chỗ và nguồn nguyên vật liệu sẵn có của địa phương để phục vụ sản xuất tạo ra sản phẩm có giá trị, khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.

Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025 có trên 80% làng nghề được công nhận hoạt động có hiệu quả; trong đó 100% làng nghề được công nhận có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); 80% làng nghề có sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu theo quy định; 100% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường. Đến năm 2030, khôi phục, bảo tồn được ít nhất 3 nghề truyền thống có nguy cơ mai một; có 1 đến 2 làng nghề gắn với phát triển du lịch…

Theo đó, tỉnh sẽ tập trung vào một số giải pháp như: tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân và xã hội về vai trò và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề; rà soát, đánh giá, xếp loại, khôi phục, bảo tồn nghề truyền thống, làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền; tổ chức đánh giá, xếp loại hoạt động làng nghề gắn với các mục tiêu phát triển bền vững; xây dựng và số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề; khuyến khích, hỗ trợ phục hồi, tôn tạo các di tích, xây dựng khu trình diễn, không gian trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm của nghề và làng nghề gắn...

Tuyên Quang tập trung phát triển làng nghề sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế, văn hóa cao, có tiềm năng xuất khẩu lớn như chế biến nông lâm thủy sản, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, thêu dệt... Đồng thời, phổ biến, nhân rộng nghề truyền thống cùng với các làng nghề mới; đẩy mạnh hỗ trợ sáng tạo phát triển sản phẩm, hình thành cơ sở sản xuất mới; xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề; ưu tiên nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chính sách khuyến khích, phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống…

Việc phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề theo hướng tập trung, ổn định; trong đó ưu tiên sản phẩm chủ lực của địa phương có điều kiện phù hợp; thiết kế, xây dựng các tuyến, điểm và tổ chức hoạt động du lịch, tham quan, giáo dục, trải nghiệm nghề và làng nghề truyền thống, liên kết chặt chẽ với chương trình du lịch nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của làng nghề và của địa phương.

Đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề theo các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại làng nghề xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến, khuyến khích người dân sử dụng, trưng bày sản phẩm của làng nghề tại địa phương. Cùng với việc xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại, trạm nghỉ ven đường quốc lộ, điểm du lịch để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, tỉnh còn hỗ trợ cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, hệ thống truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, bộ nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm, làng nghề của đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương ra thị trường…

Tỉnh hiện có 8 làng nghề đã được công nhận (chủ yếu là các làng nghề chè) với 937 cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán; nguồn vốn đầu tư sản xuất thấp, chủ yếu là vốn tự có của các hộ; hạn chế trong áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; chất lượng sản phẩm chưa cao, cạnh tranh kém; chưa chú trọng xây dựng thương hiệu; tiêu thụ sản phẩm bấp bênh, thiếu ổn định; lao động ngành nghề nông thôn chủ yếu chưa qua đào tạo, thiếu thợ tay nghề cao.../.

PV

Xem thêm