Gần 3 tháng nay, lớp học của cô giáo Kso H’Vớt tại điểm Trường Tiểu học Ngô Mây, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) luôn sáng đèn mỗi tối để 32 học viên là người dân tộc thiểu số độ tuổi từ 23- 59 học con chữ.
TTXVN - Khi ánh mặt trời dần khuất, ánh điện trong các buôn làng ở xã Ia Dêr, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) bừng sáng là lúc những “học sinh lứa tuổi U” sửa soạn đến lớp học. Đều đặn, bất kể nắng hay mưa, các học viên của lớp học xóa mù chữ dành cho bà con dân tộc thiểu số tại Gia Lai vẫn sáng đèn. Sự cần cù, chịu khó của học viên cùng nỗ lực của các thầy cô giáo đã và đang khơi sáng kho tri thức trong cộng đồng người dân tộc thiếu số.
Đã gần 3 tháng nay, lớp học của cô giáo Kso H’Vớt tại điểm Trường Tiểu học Ngô Mây luôn sáng đèn mỗi tối. Với 32 học viên là người dân tộc thiểu số độ tuổi từ 23- 59, vì thế giáo trình lên lớp của cô Kso H’Vớt cũng rất đặc biệt - giáo trình chữ cái lớn lớp vỡ lòng.
Chiều muộn, ông Saih (50 tuổi) và vợ Kso H’Jin (53 tuổi), ở làng Breng 3, xã Ia Der, huyện Ia Grai tất bật sắp xếp công việc để kịp giờ lên lớp học. Dù đã ở tuổi trung niên nhưng ông bà vẫn cần mẫn mỗi tối để đi tìm con chữ. Cuộc sống khó khăn, hồi nhỏ, ông bà không được đến lớp học hành. Đến bây giờ, khi gia đình đã có đủ dâu, rể, ông bà vẫn không biết mặt chữ. Để noi gương cho con cháu trong nhà, ông bà đăng ký đi học lớp xóa mù chữ trong làng, đồng thời vận động thêm con rể cùng đến lớp học.
"Phải học được cái chữ, biết đọc, biết viết để sau này còn biết nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Biết chữ sẽ đọc được nhiều điều hay, áp dụng vào sản xuất phát triển kinh tế", ông Kso H’Jin chia sẻ.
Là những học viên lớn tuổi nên không thể tránh khỏi tâm lý e ngại, xấu hổ, thế nhưng những cánh chim đầu đàn như vợ chồng ông Saih đã khích lệ phong trào xóa mù chữ. Để rồi, sau một ngày lên rẫy, ra đồng… 32 học viên trong làng Breng 3 hồ hởi cắp sách đến lớp. Sự cần cù, chịu khó cho quả ngọt khi các học viên đã đọc được từng vần thơ, viết rõ các con chữ.
Bà Rơ Lan Bẽ (49 tuổi, làng Breng 1, xã Ia Der, huyện Ia Grai) tâm sự, thấy người dân trong làng đi học con chữ, biết đọc, biết viết nên bà cũng đi học. Bà cố gắng học sau này còn chỉ cho con, cháu hiểu thông báo, tuyên truyền của chính quyền địa phương.
Vì lớp học dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, lứa tuổi từ 20 - 60 nên để có được kết quả như ngày hôm nay là nỗ lực rất lớn của thầy, cô giáo và các học viên. Việc lựa chọn giáo viên đứng lớp, hiểu và thông thạo tiếng địa phương chính là yếu tố thành công của chương trình. Điểm Trường Tiểu học Ngô Mây (xã Ia Der, huyện Ia Grai) là điển hình. Tính đến tháng 10/2023, huyện Ia Grai mở được 49 lớp xóa mù chữ với 1.317 học viên chiếm 20,25% số học viên học xóa mù chữ của toàn tỉnh.
Hiểu phong tục tập quán, gần dân nên lớp học của cô giáo K’So H’Vớt luôn luôn duy trì được sĩ số 32/32. Bên cạnh sự quan tâm của chính quyền địa phương, người dân trong làng rất ý thức việc học hành. Ban đầu cô phải đi vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu được lợi ích của việc học chữ, giờ đã thuận lợi hơn nhiều. Lớp cô hiện có 32/32 học viên, cứ đúng 18 giờ hằng ngày là mọi người có mặt tại lớp học đầy đủ. Sự chuyên cần của các học viên giúp họ nhanh biết đọc, biết viết cơ bản, cô giáo H’Vớt bộc bạch.
Công tác xóa mù chữ trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại Gia Lai đạt được nhiều kết quả khả quan với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự cần cù bám làng, gần dân của thầy cô giáo.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai Trần Bá Công vui mừng cho biết, công tác xóa mù chữ tại tỉnh đang được các cấp, ngành thực hiện rất hiệu quả. Năm 2022, công tác mở lớp xóa mù chữ mới triển khai tại 2/17 địa phương trên phạm vi toàn tỉnh gồm 7 lớp với 168 học viên. Đến ngày 10/10/2023, 17/17 địa phương đã mở lớp xóa mù chữ, gồm 226 lớp với 6.502 học viên, đạt 73,5% chỉ tiêu được giao và đạt kế hoạch giai đoạn 2022-2025./.