Tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm đầu tư, trùng tu, tôn tạo các di tích để đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của nhân dân
TTXVN-Từng được ví như một "Tiểu Tràng An" của Việt Nam, Hưng Yên là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, trong đó có nhiều di tích cấp quốc gia nổi tiếng thu hút nhiều du khách đến tham quan như khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến (thành phố Hưng Yên), di tích quốc gia đặc biệt chùa Thái Lạc (Văn Lâm) và di tích quốc gia đặc biệt đền An Xá (Tiên Lữ)… Những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh luôn quan tâm đầu tư, trùng tu, tôn tạo các di tích để đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của nhân dân.
*Đặc sắc văn hóa Phố Hiến
Tỉnh Hưng Yên hiện có 1.802 di tích lịch sử văn hóa; trong đó có 3 di tích, khu di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, 175 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 7 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia, cùng hàng ngàn tài liệu, hiện vật, cổ vật có giá trị.
Hưng Yên là nơi lưu giữ hơn 500 lễ hội truyền thống mang đậm văn hóa, phong tục Việt như Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến (thành phố Hưng Yên), Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (Khoái Châu), Lễ hội cầu mưa ở Lạc Hồng (Văn Lâm), Lễ hội đền Đậu An (Tiên Lữ)..., cùng hàng trăm làng nghề truyền thống như Hương xạ thôn Cao, đan đó Thủ Sỹ, hoa - cây cảnh Văn Giang, đúc đồng Lộng Thượng. Tỉnh có nhiều đặc sản nổi tiếng hấp dẫn du khách như: nhãn lồng, gà Đông Tảo, bún thang lươn, chè sen long nhãn...
Bên cạnh đó, Hưng Yên còn được biết đến là nơi có những dòng sông cổ, ngôi làng cổ đã tạo nên nét độc đáo riêng có cho du lịch Phố Hiến.
Khu di tích Phố Hiến là một quần thể các công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, mang những dấu ấn riêng, thể hiện những giá trị độc đáo trong hệ thống đô thị cổ Việt Nam. Đây là một trong 3 di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh Hưng Yên, được công nhận vào năm 2014.
Phố Hiến khởi nguồn trong thời kỳ hưng thịnh, được dân bản địa và thương nhân nước ngoài xây dựng nên có các công trình kiến trúc tuyệt vời như bến cảng, thương điếm, đền đình chùa. Trong đó, nhiều công trình mang vẻ đẹp đặc trưng văn hóa Việt. Một số công trình có sự kết hợp hài hòa, tinh xảo với kiến trúc phương Tây nhưng vẫn mang đậm hồn Việt.
Theo Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Thu Hường, Phố Hiến ngày nay vẫn còn nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, minh chứng cho thời kỳ phát triển rực rỡ của một "Tiểu Tràng An" xưa, là di sản vô giá của kho tàng văn hóa dân tộc và nhân loại. Nổi bật trong đó là những công trình kiến trúc thuần Việt như Chùa Chuông, chùa Nễ Châu, đình chùa Hiến, đền Mẫu, đền Mây, đền Kim Đằng, Văn Miếu Xích Đằng... Bên cạnh đó, Phố Hiến còn có những công trình kiến trúc của người Việt kết hợp với kiến trúc Trung Hoa và phương Tây như: Đông đô Quảng Hội, đền Thiên Hậu, chùa Phố, Võ Miếu. Chính những nét độc đáo này đã tạo nên quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến in sâu trong lòng du khách.
Nhiều lần đến tham quan ở Hưng Yên, bà Nguyễn Thị Nhung (Hà Nội) đều đến đền Mẫu. Bà Nhung chia sẻ, đền Mẫu được bao phủ bởi bóng của 3 cây cổ thụ gồm đa, sanh, si xoắn bện vào nhau rất đặc biệt và vững chãi như bàn tay của mẹ đón các con trở về...
* Phát huy giá trị di tích quốc gia
Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có số lượng lớn di tích quốc gia, so với cả nước chỉ đứng sau thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên các di tích chưa phát huy được giá trị.
Trong nghiên cứu đề xuất giải pháp tăng cường quản lý và phát huy giá trị các di tích quốc gia gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hưng Yên do Tiến sĩ Quách Ngọc Dũng (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên) làm Chủ nhiệm đề tài cũng đã chỉ ra thực trạng của các di tích. Theo Tiến sĩ Dũng, phần lớn các di tích đã có trên 100 năm, sử dụng chủ yếu bằng vật liệu gỗ, đặc biệt qua khảo sát thực tế, nhiều di tích ở các huyện Ân Thi, Yên Mỹ, Văn Giang, Khoái Châu, Tiên Lữ đang bị tình trạng mối mọt và xuống cấp nghiêm trọng. Cùng với đó, tình trạng các di tích quốc gia bị che khuất, lấn áp không gian bởi các công trình xây dựng sát cạnh xung quanh và gần di tích; việc làm đường giao thông cao hơn sân nền di tích nên dễ bị ngập lụt khi mưa lớn; di tích bị ảnh hưởng do hoạt động sản xuất kinh doanh…
Thời gian tới, tỉnh Hưng Yên cần tăng cường quản lý di tích quốc gia về xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức về di tích quốc gia. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường phát huy giá trị các di tích quốc gia gắn với phát triển du lịch về phát triển cơ sở hạ tầng du lịch xung quanh di tích quốc gia; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch và tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; đồng thời, phát huy giá trị các di tích quốc gia kết hợp với di sản văn hóa phi vật thể để thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa…
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên Đỗ Hữu Nhân cho biết, để phát huy giá trị các di sản, di tích tỉnh Hưng Yên đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và những giá trị tiêu biểu hệ thống di sản văn hóa của tỉnh được triển khai bằng nhiều hình thức: xuất bản ấn phẩm, tờ rơi, tờ gấp và quảng bá qua mạng xã hội; sản xuất phim giới thiệu các di sản văn hóa tiêu biểu; tham gia hội chợ, triển lãm tại các địa phương. Một số di tích đã trở thành điểm đến quen thuộc đối với du khách thập phương như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến; khu di tích Đa Hòa-Dạ Trạch; di tích đền An Xá (Đậu An); di tích đền Phù Ủng; di tích chùa Nôm, làng Nôm…
Để các di tích trên địa bàn tỉnh phát huy giá trị, thời gian tới, tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục triển khai lập quy hoạch chi tiết đối với các di tích quốc gia đặc biệt, cụm, khu di tích có giá trị tiêu biểu để có cơ sở lập dự án tu bổ, tôn tạo. Hàng năm, bố trí nguồn ngân sách các cấp tương xứng sự phát triển kinh tế của tỉnh; xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực của xã hội để đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích tiêu biểu của tỉnh trở thành những di sản có chất lượng cao về khoa học bảo tồn và môi trường văn hóa.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá như xây dựng chuyên trang, chuyên mục về di sản văn hóa, giới thiệu những giá trị di sản, các tour, tuyến du lịch khai thác di sản; tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quảng bá tiềm năng, giá trị của di sản../.