Tại lễ hội truyền thống, chính quyền, người dân và gia tộc họ Khúc trên khắp cả nước đã ôn lại truyền thống, công lao và sự nghiệp to lớn của Tiên chúa Khúc Thừa Dụ.
TTXVN - Ngày 7/9 (tức 23/7 âm lịch), tại thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang tổ chức lễ hội truyền thống và dâng hương tưởng niệm 1.116 năm ngày mất của Tiên chúa Khúc Thừa Dụ - người có công đầu trong công cuộc xây dựng nền tự chủ của đất nước.
Lễ dâng hương tại đền thờ Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ là dịp để tri ân công lao to lớn của Tiên chúa Khúc Thừa Dụ trong công cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ thứ X trong lịch sử dân tộc, góp phần giáo dục nâng cao truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, bồi đắp đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
Tại lễ hội truyền thống, chính quyền, người dân và gia tộc họ Khúc trên khắp cả nước đã ôn lại truyền thống, công lao và sự nghiệp to lớn của Tiên chúa Khúc Thừa Dụ. Cuối thế kỷ thứ IX, nhà Đường suy yếu, phương Bắc đại loạn, Giao Châu lúc này quan quân đô hộ như rắn mất đầu. Hào trưởng Khúc Thừa Dụ, một bậc tài trí xuất chúng tính khoan hòa, hay thương người, được dân chúng suy tôn ngày đêm luyện binh, rèn tướng, tích trữ lương thực. Năm 905 đời vua Chiêu Tông, sau khi tiết độ sứ Độc Cô Tổn - một quan chức nhà Đường tại đất Giao Châu bị triệu hồi về nước, Khúc Thừa Dụ lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa tiến đánh thành Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay). Mất thành Tống Bình, chính quyền đô hộ nhà Đường ở các địa phương cũng lần lượt tan rã.
Với thắng lợi to lớn này, vị hào trưởng Khúc Thừa Dụ đã chấm dứt ách đô hộ hơn 1.000 năm của phong kiến phương Bắc, mở ra nền độc lập tự chủ cho dân tộc. Nhờ tài trí thông minh, sự nhạy bén chính trị và quyết đoán sáng suốt, Khúc Thừa Dụ buộc nhà Đường phải thừa nhận vai trò lãnh đạo của họ Khúc. Năm 906, vua Đường buộc phải phong cho ông chức Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, chức quan cao nhất ở ngoại biên, lại gia phong tước “Đồng bình chương sự” có quyền thay triều đình quyết định mọi việc.
Nắm quyền lực trong tay, Khúc Thừa Dụ nhanh chóng cắt đặt quan lại, nắm giữ những chức vụ chủ chốt, dốc sức quản lý điều hành đất nước, ban hành nhiều chính sách tích cực và tiến bộ, xây dựng bộ máy chính quyền mới trong cả nước. Đây là một thắng lợi có tầm vóc lớn lao và trở thành dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Khúc Thừa Dụ đã tạo nền móng quyền tự chủ ban đầu cho đất nước.
Ngày 23/7 năm Đinh Mão 907, Khúc Thừa Dụ mất, con trai ông là Khúc Hạo lên thay, kế tục xuất sắc sự nghiệp của cha. Nhà Hậu Lương sai sứ sang tấn phong cho Khúc Hạo làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, Đồng Bình chương sự, mặc nhiên phải thừa nhận quyền tự chủ của nhân dân ta và quyền thế tập của họ Khúc. Trung chúa Khúc Hạo đã ra sức thụ dụng nhân tài, tiến hành hàng loạt cải cách toàn diện và sâu sắc. Ông cải tổ căn bản nền hành chính, tăng cường năng lực quản lý của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở. Ông chia nước thành Lộ, Phủ, Châu, Giáp, Xã. Ở cấp Xã đặt chức Chánh lệnh trưởng và Tá lệnh trưởng để trông coi việc thuế. Ông cho lập sổ hộ khẩu, kê rõ quê quán, giao cho giáp trưởng trông coi. Về đối ngoại, Khúc Hạo khôn khéo, ứng xử mềm dẻo với Nam Hán và Đại Lương để tránh xung đột, tạo cơ hội hòa bình, củng cố nền tự chủ còn non trẻ. Lịch sử ghi nhận ông là nhà cải cách đầu tiên của đất nước.
Năm 917, Khúc Hạo mất, Khúc Thừa Mỹ kế tục sự nghiệp của ông, cha. Nhưng với dã tâm chiếm đoạt Tĩnh Hải quân đã trở thành truyền thống, nhà Hán lại có mối thâm thù với Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ kể từ khi phát ngôn coi nhà Hán là “ngụy đình”, đó là nguyên cớ để nhà Hán cất quân báo thù, xâm lược. Trước sức giặc mạnh, chính quyền họ Khúc mới xây dựng và Khúc Thừa Mỹ bị quân Nam Hán bắt.
Công cuộc giành quyền tự chủ và trung hưng đất nước của họ Khúc cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ thứ X trong lịch sử dân tộc Việt Nam để lại là cơ sở vững chắc, tạo tiền đề chắc chắn cho Dương Đình Nghệ đánh bại Lý Tiến năm 931, cho Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 khẳng định dứt khoát quyền độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam.
Công cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc trải qua ba đời Khúc chúa: Tiên chúa Khúc Thừa Dụ, Trung chúa Khúc Hạo, Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ, tuy chưa xưng đế, xưng vương, chưa đặt quốc hiệu nhưng tam chúa đã chấm dứt ách đô hộ hơn 1.000 năm của phong kiến phương Bắc, mở ra nền độc lập tự chủ của dân tộc, đặt mối bang giao với các nước, thực hiện nhiều cải cách quan trọng cho đất nước, xứng đáng vạn cổ lưu danh, đời đời ghi nhớ.
Lễ hội truyền thống được chính quyền và nhân dân tổ chức trong hai ngày 6-7/9/2023 (tức ngày 22-23/7 âm lịch). Phần lễ có các hoạt động: đánh trống khai hội, đọc chúc văn, dâng hương tại đền thờ Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ. Phần hội gồm các trò chơi dân gian gồm: cờ tướng, bóng chuyền hơi nam nữ, pháo đất, trò chơi bắt vịt.../.