Du lịch

Kết nối hàng không với du lịch để thu hút du khách

TP. Hồ Chí Minh

Xu hướng du lịch và hành vi của các du khách có nhiều biến đổi như chọn những chuyến đi ngắn ngày, đi gần; hạn chế tiếp xúc đông người; yêu cầu cá nhân hóa dịch vụ hay hướng tới các khu vực thiên nhiên, có lợi cho sức khỏe…

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

TTXVN - Ngày 7/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Sở Du lịch Thành phố H phối hợp tổ chức Hội thảo về Du lịch và Khách sạn.

Theo đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong bối cảnh quốc tế, hoạt động lưu trú du lịch chưa đạt mốc của năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19), trong đó một phần do xung đột Nga - Ukraina, thị trường Đông Bắc Á (nơi chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) chưa phục hồi hoàn toàn. Bên cạnh đó, những du khách châu Âu có chiều hướng chọn các điểm đến gần thay vì tới thị trường xa như Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, xu hướng du lịch và hành vi của các du khách cũng có nhiều biến đổi như chọn những chuyến đi ngắn ngày, đi gần; hạn chế tiếp xúc đông người; yêu cầu cá nhân hóa dịch vụ hay hướng tới các khu vực thiên nhiên và hoạt động có lợi cho sức khỏe…

Ở lĩnh vực hàng không, bà Lại Thị Thu Trang, Trưởng Phòng Kế hoạch đường bay, Ban Kế hoạch phát triển của Vietnam Airlines cho biết, Nhật Bản là một trong những thị trường trọng điểm của đơn vị khi đưa vào khai thác. Tuy nhiên, cho đến nay, thị trường này vẫn chưa được hồi phục hoàn toàn. Cùng với đó là hạn chế cơ sở hạ tầng tại một số sân bay như Tân Sơn Nhất (SGN), Phú Quốc (PQC), Đà Lạt (DLI), Cam Ranh (CXR)…; giá nhiên liệu cao và có xu hướng tăng.

Nhằm quảng bá du lịch đến với đông đảo du khách, đại diện Vietnam Airlines cho rằng, cần tổ chức, quảng bá hình ảnh các quốc gia CLMTV (Campuchia - Lào - Myanmar - Thái Lan - Việt Nam) – điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cần phối hợp với các đơn vị du lịch, hãng hàng không xây dựng các chương trình tăng cường quảng bá điểm đến Việt Nam tại thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Australia, Ấn Độ. Bên cạnh đó, cần xem xét sớm thành lập văn phòng về xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm; đồng thời, triển khai hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu hành khách giữa các hãng hàng không, khách sạn, công ty du lịch để nâng cao trải nghiệm cho khách và phục vụ nghiên cứu thị trường.

Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, trong những năm qua, hai ngành Hàng không và Du lịch đã luôn gắn bó, đồng hành và hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của nhau. Khi dịch bệnh xảy ra, ngành Du lịch, Hàng không đã bị ảnh hưởng nặng nề. Hai ngành đã có sự thích ứng an toàn, linh hoạt nhằm nỗ lực phục hồi hoạt động. Hiện nay, các hoạt động du lịch khởi sắc, các điểm đến trên toàn quốc đã đón và phục vụ 7,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong 8 tháng đầu năm 2023. Vì vậy, ngành Du lịch cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, đưa Việt Nam trở thành điểm đến uy tín và có sức cạnh tranh trên trường quốc tế./.

Thu Hương

Tin liên quan

Xem thêm