Văn hóa

Hướng tới cung cấp các chỉ số xếp hạng đối với các doanh nghiệp, cơ sở in

Cả nước hiện có 2.771 cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động. Năm 2023, doanh thu toàn ngành đạt 92.000 tỷ đồng. Ngành In đang xếp thứ 29 trong danh sách những ngành có nhiều cơ hội việc làm nhất trong xã hội.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát thành báo cáo tổng kết hoạt động ngành In năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Ảnh: TTXVN phát

TTXVN - Chiều 22/3, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị triển khai công tác ngành In năm 2024.

Hội nghị xác định giai đoạn tới, ngành tập trung xây dựng hệ thống tiêu chuẩn; xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; phối hợp với các địa phương xây dựng, hoàn thiện hệ thống dữ liệu quản lý lĩnh vực, hướng tới cung cấp các chỉ số xếp hạng tốt, chỉ số xếp hạng xấu đối với các doanh nghiệp/cơ sở in trên Cổng thông tin điện tử của ngành. Ngành chú trọng công tác thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là in lậu; tăng cường phối hợp với đội liên ngành phòng, chống in lậu các địa phương, các cơ quan liên quan trong phát hiện, xử lý hành vi in xuất bản phẩm lậu; đẩy mạnh đưa ứng dụng tem công nghệ chống giả vào bảo vệ bản quyền; chủ động triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức doanh nghiệp và người dân, chống in xuất bản phẩm lậu.

Đại diện Hiệp hội Bao bì Việt Nam phát biểu ý kiến tại hội nghị
Ảnh: TTXVN phát

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực gồm đào tạo nghề, đào tạo cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân kỹ thuật. Các cơ sở in chủ động tìm hiểu thị trường in xuất khẩu trên thế giới để chuẩn bị các chứng chỉ quốc tế về tiêu chuẩn quản lý, về chất lượng sản phẩm; xây dựng dây chuyền sản xuất phù hợp; tăng cường giao lưu, học hỏi các doanh nghiệp in xuất khẩu trong và ngoài nước để gia nhập thị trường in xuất khẩu; cập nhật các tiêu chuẩn mới về sản phẩm in bền vững, sản xuất xanh để có chiến lược, kế hoạch định hướng phát triển cơ sở in; chú trọng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành in...

Năm 2023, ngành In đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Số lượng cơ sở in có sự tăng trưởng về quy mô. Ngoài các trung tâm in lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã xuất hiện thêm một số khu vực trọng điểm có số lượng cơ sở in tăng cao là Hưng Yên, Hà Nam, Phú Thọ, Bắc Giang. Các doanh nghiệp in trong nước đã đầu tư đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, sản phẩm đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, chất lượng, mẫu mã xuất bản phẩm không thua kém các nước trên thế giới. Năng lực quản trị, chuyển đổi số của các doanh nghiệp in có nhiều thay đổi tích cực. Nhiều doanh nghiệp in đã quan tâm đến việc quản trị, quản lý chất lượng đạt các chứng chỉ quốc tế (ISO, GMI, G7…) nhằm đáp ứng các đơn hàng của thị trường các nước G7. Các cam kết về môi trường, phòng cháy, chữa cháy, an toàn lao động, trách nhiệm xã hội đang cũng được các nhà in Việt Nam quan tâm...

Quang cảnh hội nghị
Ảnh: TTXVN phát

Tính đến ngày 15/3/2024, cả nước có 2.771 cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động. Năm 2023, theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, cả nước có 79 cơ sở in đã giải thể (chiếm 2,85% tổng số cơ sở in). Doanh thu toàn ngành đạt 92.000 tỷ đồng (giảm 1,24% so với năm 2022). Số lượng lao động là 60.294 người, giảm 1,27% (giảm 1,029 lao động so với năm 2022). Ngành In đang xếp thứ 29 trong danh sách những ngành có nhiều cơ hội việc làm nhất trong xã hội, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân bởi tính ổn định, không gian phát triển, mở rộng hoạt động kinh tế, liên kết vùng.../.

Phúc Hằng

Xem thêm