Dự báo, năm 2023, ngành in trong nước sẽ có nhiều cơ hội phát triển khi tiêu dùng trong nước dự báo tăng trưởng trở lại khoảng 8-10%, tuy vâỵ, ngành cũng đứng trước nhiều thách thức.
TTXVN - Xu hướng chung trong 5 năm tới của ngành in sẽ chuyển dịch theo hướng hiệu quả và số hóa, đòi hỏi các doanh nghiệp nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, từng bước đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thế giới. Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thị trường in xuất khẩu trên thế giới, để chuẩn bị cho mình các điều kiện cần thiết, xây dựng dây chuyền sản xuất phù hợp, để gia nhập thị trường in xuất khẩu. Đây là nhận định được đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác ngành in năm 2023, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 17/2.
Công nghiệp in là một ngành có tốc độ tăng trưởng khá, đi đầu trong ứng dụng công nghệ, có ảnh hưởng đến các ngành khác. Tuy nhiên, hiện quy mô ngành còn nhỏ, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Đại bộ phận là các doanh nghiệp in có quy mô nhỏ, ngoại trừ một số ít doanh nghiệp FDI có quy mô vừa và lớn. Năng lực công nghệ và năng lực quản trị của các doanh nghiệp ngành in còn hạn chế, hầu hết các doanh nghiệp chưa đầu tư, quan tâm đến xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế để tham gia chuỗi sản xuất hàng hóa cung ứng toàn cầu. Phần lớn doanh nghiệp in Việt Nam chậm đổi mới dây chuyền công nghệ dẫn đến sản phẩm in còn đơn điệu, giá trị mang lại thấp.
Vấn đề chất lượng và số lượng lao động ngành in cũng còn nhiều hạn chế. Số lượng lao động của ngành năm 2022 là 61.228 người, trong đó lao động được đào tạo trên đại học chưa tới 1%, đại học và cao đẳng chiếm khoảng 20%, trung cấp khoảng 10%, còn lại là sơ cấp nghề hoặc chưa qua đào tạo. Số lượng lao động qua đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu, chất lượng đào tạo cũng chưa bắt kịp với mức độ đổi mới về kỹ thuật, công nghệ đang diễn ra với tốc độ chóng mặt như hiện nay. Nhu cầu nhân lực qua đào tạo của ngành in mỗi năm khoảng 2.200 - 2.500 người, trong khi các cơ sở đào tạo chỉ cho "ra lò" được khoảng 1.200 học viên mỗi năm.
"Nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp in hiện nay đang là vấn đề nan giải đối với nhiều cơ sở in. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu tới sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn mà còn có thể dẫn tới nguy cơ tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong tương lai" – ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản – In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định.
Dự báo, năm 2023, ngành in trong nước sẽ có nhiều cơ hội phát triển, về tiêu dùng trong nước dự báo tăng trưởng trở lại khoảng 8-10%. Dù vậy, ngành cũng đứng trước nhiều thách thức, tốc độ tiêu dùng trên thế giới dự báo tăng khoảng 1,5% nhưng không lấy lại được mốc trước đó của năm 2019; tốc độ tăng trưởng ngành in trong nước dự báo bị giảm sút do tác động của số hóa.
Để giải bài toán về nhân lực ngành in, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo của các cơ sở đào tạo xuất bản, in và phát hành theo hướng gắn đào tạo với nhu cầu thị trường và xu hướng phát triển trên thế giới. Đồng thời, các cơ sở in cũng chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo tại chỗ nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm in của cơ sở.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, một trong những vấn đề trọng tâm trong công tác quản lý ngành thời gian tới là hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển lĩnh vực in theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Cụ thể, trong năm nay, Bộ xây dựng phương án sửa đổi Luật Xuất bản năm 2012 nhằm thay đổi các quy định về in xuất bản phẩm theo hướng thông thoáng, mở rộng thị trường in, đối tượng in. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đưa cơ sở in xuất bản phẩm vào các khu công nghiệp in, đưa các cơ sở in có chứng nhận quốc tế về năng lực quản lý sản xuất, quản lý chất lượng vào khu công nghiệp để tham gia chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa toàn cầu.
Hiện cả nước có 2.402 cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động, trong số đó 2.067 doanh nghiệp Việt Nam (86%); 335 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và doanh nghiệp liên kết Việt Nam - nước ngoài (14%). Năm 2022, doanh thu toàn ngành đạt 93.151 tỷ đồng (tăng 9% so với năm 2021, giảm 4% so với năm 2019), lợi nhuận sau thuế đạt 4.069 tỷ đồng./.