Khoa học

Xây dựng đội ngũ nông dân đủ năng lực sản xuất nông nghiệp hiện đại

An Giang

Đối với tỉnh nông nghiệp như An Giang, việc tri thức hóa nông dân để đáp ứng yêu cầu phát triển trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa là rất bức thiết.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

TTXVN - Chiều 17/2, Hội Nông dân tỉnh An Giang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo “Vai trò của nông dân trong thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ V của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Lê Hùng Cường khẳng định, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (gọi tắt là Nghị quyết 26), tỉnh An Giang đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và cơ bản hoàn thành nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo lộ trình đề ra. Nghị quyết 26 đã tác động tích cực đến nông nghiệp, nông thôn, đời sống nông dân ngày càng phát triển, tăng niềm tin của nhân dân vào các tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị.

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là bệ đỡ quan trọng giúp kinh tế An Giang vượt qua khó khăn, trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn về suy thoái kinh tế và ảnh hưởng của dịch COVID-19. Công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tiếp tục đạt những kết quả tích cực, hoạt động xuất khẩu nông sản ngày càng khởi sắc...

Tính đến năm 2020, diện tích lúa gieo trồng của tỉnh đạt hơn 637.000 ha (tăng gần 73.000 ha so với năm 2008), sản lượng lúa đạt 4,014 triệu tấn (tăng 490 nghìn tấn). Đặc biệt, trong những năm gần đây, An Giang thực hiện chủ trương phát triển du lịch sinh thái và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nên diện tích cây ăn trái tăng hơn 9.000 ha (năm 2020 đạt 17,43 nghìn ha), chủ yếu là tăng diện tích trồng xoài, sản lượng đạt 167.000 tấn (tăng 148,6 nghìn tấn).

Đến cuối năm 2022, An Giang có 3/11 đơn vị cấp huyện (huyện Thoại Sơn, thành phố Châu Đốc và thành phố Long Xuyên) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới/đạt chuẩn huyện nông thôn mới; có 61/119 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (đạt 51,2%). Toàn tỉnh có 17 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; không còn xã dưới 9 tiêu chí. Bình quân tiêu chí nông thôn mới/xã là 16 tiêu chí.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang, nông nghiệp của tỉnh hiện phát triển còn thiếu bền vững; tăng trưởng nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu nội ngành chậm, sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỷ trọng cao. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn những khó khăn trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; thông tin thị trường vẫn chưa hiệu quả. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều. Hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, dẫn đến việc gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, phát triển du lịch, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu trong thời gian qua còn hạn chế. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến nông sản còn thiếu và yếu làm chậm quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh…

Trong thời gian tới, nền nông nghiệp cả nước nói chung, An Giang nói riêng sẽ tiếp tục chịu tác động sâu sắc của tiến trình thương mại hóa toàn cầu với thời cơ và thách thức đan xen, bà con nông dân cần nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nông thôn. Hơn ai hết, mỗi nông dân, các hợp tác xã phải xem việc xây dựng nông thôn mới vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chiến lược đặc biệt quan trọng của quốc gia. Do vậy, bà con nông dân, các hợp tác xã cần đổi mới tuy duy canh tác nông nghiệp, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số trong nông nghiệp. Qua đó, góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sang giai đoạn nâng chất; nâng cao trình độ, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, tiến đến làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang kỳ vọng, những kết quả của hội thảo sẽ giúp tỉnh có thêm các cơ sở quan trọng trong quá trình cụ thể hóa các chủ trương chính sách lớn về "tam nông" trong giai đoạn sắp tới.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Phả, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật An Giang phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Tại Hội thảo, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Phả, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật An Giang nhấn mạnh, Nghị quyết 19/NQ-TW đã xác định, nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới… Do đó, thời gian tới An Giang cần tập trung đào tạo, tập huấn cho người nông dân về trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường…

Đối với tỉnh nông nghiệp như An Giang, việc tri thức hóa nông dân để đáp ứng yêu cầu phát triển trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay là rất bức thiết; giúp người nông dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, bảo vệ môi trường sinh thái…

Thạc sĩ Trịnh Phước Nguyên, Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu, Đại học An Giang-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Theo Thạc sĩ Trịnh Phước Nguyên, Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu, Đại học An Giang-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, cạnh tranh ngày càng gay gắt, sự thay đổi của nông dân với quy mô sản xuất nhỏ là không đủ, sẽ gặp rất nhiều khó khăn cho phát triển các chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, giảm tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Để khắc phục những hạn chế của sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Thạc sĩ Trịnh Phước Nguyên đề xuất, tỉnh An Giang cần đẩy nhanh quá trình nông dân liên kết hình thành các hợp tác xã cùng tham gia tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hình thành vùng nguyên đủ lớn để kết nối với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất lớn theo mô hình hợp tác xã và tham gia liên kết chuỗi giá trị giúp nông dân khắc phục được chi phí giao dịch cao trong tiếp cận vật tư đầu vào và thương mại sản phẩm. Ngoài ra, hợp tác xã còn có thể hỗ trợ nông dân tiếp cận với các dịch vụ khác trong sản xuất nông nghiệp…, giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với nông dân./.

Công Mạo

Xem thêm