Nông dân Sóc Trăng mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, từng bước bắt nhịp khoa học công nghệ và thực hiện chiến dịch chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn.
TTXVN - Nông dân Sóc Trăng mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, mang lại lợi nhuận cao, góp phần từng bước bắt nhịp khoa học công nghệ và thực hiện chiến dịch chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Trồng hơn 1ha cây chanh dây ngọt, ông Nguyễn Hữu Công (xã Song Phụng, huyện Long Phú) đã lắp đặt hệ thống tưới phun và phần mềm điều khiển tự động trên điện thoại thông minh của mình. Chỉ với thao tác tắt, mở đơn giản từ điện thoại, ông Công có thể điều khiển hệ thống tưới phun từ xa.
Ông Nguyễn Hữu Công cho biết, từ khi áp dụng mô hình này, gia đình tiết kiệm hơn 30% chi phí thuê nhân công, tiết kiệm nước, thời gian và tăng thu nhập cho gia đình. Từ đó cho thấy việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân.
Tại xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên), vùng chuyên canh rau màu lớn của tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2022, Trạm Khuyến nông huyện đã đầu tư hệ thống tưới phun sương bằng ống mềm và tích hợp qua điện thoại (dùng điện thoại thông thường) trên rẫy canh tác rau màu hơn 3.000 m2 cho hộ anh Trầm Út. Sau thời gian thực hiện, mô hình này đã giảm nhiều chi phí đầu tư sản xuất cho nông dân.
Theo anh Trầm Út, việc tắt và mở hệ thống tưới chỉ bằng thao tác soạn tin nhắn thông thường gửi qua bộ phận cảm biến nên nông dân rất tiện lợi khi sử dụng. Việc áp dụng hệ thống tưới phun sương bằng ống mềm, tích hợp bón phân, phun thuốc cho cây màu qua điện thoại đã giúp gia đình giảm được công sức.
Ước tính chi phí cho mỗi vụ rau màu, gia đình anh giảm hơn 30% chi phí phân, thuốc, nhân công lao động... Lợi nhất là không tốn thời gian và hiệu quả cao hơn so với tưới nước thủ công.
Bà Huỳnh Thị Mỹ Lan, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Mỹ Xuyên thông tin, mô hình ứng dụng điều khiển hệ thống tưới phun sương bằng ống mềm, tích hợp bón phân, phun thuốc cho cây màu qua điện thoại đã giúp bà con trồng màu giảm lượng nước tưới, giảm công lao động, thích ứng trước tình trạng nước mặn xâm nhập.
Khi áp dụng mô hình, giảm chi phí đầu tư khoảng 2,5 triệu đồng/1.000m2 đất/vụ; giảm tiếp xúc của người sản xuất với thuốc bảo vệ thực vật.
Ghi nhận tại xã Phú Hữu, huyện Long Phú, thay vì dùng bình xịt phun thuốc cho lúa, hiện nay, nhiều cánh đồng được bà con áp dụng mô hình máy bay phun thuốc vào sản xuất.
Công nghệ này đã được ông Trương Văn Sơn (xã Phú Hữu) áp dụng tại ruộng của gia đình, sau thời gian nhận thấy hiệu quả tích cực, ông thực hiện dịch vụ phun thuốc bằng máy bay không người lái cho các hộ dân trong và ngoài huyện.
Theo ông Trương Văn Sơn, ông thấy dùng máy bay không người lái rất hiệu quả nên gia đình mạnh dạn mua về áp dụng tại ruộng nhà mình trước. Qua thời gian sử dụng thấy hiệu quả nên nhiều hộ đã thuê ông phun thuốc.
Đến nay, trên 60% diện tích sản xuất lúa ở xã Phú Hữu sử dụng phương pháp này, tiết kiệm hơn 20% chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và đảm bảo an toàn sức khoẻ cho nông dân.
Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân trên địa bàn về chuyển đổi số. Hội Nông dân các cấp xây dựng dự án về chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, hỗ trợ nông dân thúc đẩy, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng Đặng Tấn Giang cho biết, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các cấp tuyên truyền đến cán bộ, hội viên về chuyển đổi số; đồng thời thành lập các nhóm Zalo để thông tin qua lại, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, Hội Nông dân phối hợp với cơ quan, tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp, nông dân hiểu, vận dụng chuyển đổi số.
Ông Đặng Tấn Giang khẳng định, chuyển đổi số mang lại hiệu quả thiết thực, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, giúp nông dân cập nhật và ứng phó kịp thời tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi trước tình hình biến đổi khí hậu, ứng phó với mặn xâm nhập...
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tuyên truyền trong cán bộ, hội viên về chuyển đổi số, nâng cao nhận thức cho nông dân về chuyển đổi số trong mô hình sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, thay vào đó là nền nông nghiệp số ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đem lại hiệu quả cao, giải phóng sức lao động cho nông dân./.