Xã hội

Chú trọng xuất bản các ấn phẩm chuyên sâu, chuyên ngành

TP. Hồ Chí Minh

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, ngành Xuất bản, phát hành đã đạt được nhiều kết quả tích cực; đặc biệt, lần đầu tiên, ngành cán mốc mục tiêu 6 bản/người/năm.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thu Hoài (TTXVN) 

TTXVN - Cần nghiên cứu xây dựng, chuyển đổi mô hình các nhà xuất bản theo hướng hiện đại, chuyên sâu, chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Đây là nội dung được đề cập tại Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/2.

Năm 2023, ngành Xuất bản, phát hành tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, tiếp tục hoàn thiện nền tảng xuất bản điện tử dùng chung, nền tảng kết nối các nhà xuất bản. Các đơn vị tiếp tục lựa chọn xuất bản các ấn phẩm có giá trị, đáp ứng tốt nhu cầu đọc của mọi đối tượng; cân đối tỷ lệ giữa các loại sách phục vụ nhu cầu giải trí với các loại sách truyền tải tri thức, phục vụ nhiệm vụ trọng tâm của đất nước.

Đặc biệt, các nhà xuất bản chú trọng nâng cao số lượng ấn phẩm điện tử, hướng đến đối tượng bạn đọc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, góp phần xóa các điểm “đói sách”. Cùng với đó, các đơn vị nghiên cứu, phát triển các kênh phát hành và truyền thông sách nhằm mở rộng thị trường xuất bản, phát triển văn hóa đọc…

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, ngành Xuất bản, phát hành đã đạt được nhiều kết quả tích cực; đặc biệt, lần đầu tiên, ngành cán mốc mục tiêu 6 bản/người/năm, tuy nhiên, khi phân tích sâu hơn vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra trong việc phát triển ngành.

Cụ thể, cơ cấu sách, sách giáo khoa, sách hỗ trợ người học còn cao, chiếm đến 50% (các nước trên thế giới tỷ lệ này là khoảng 30%), đây là loại hình sách mà bạn đọc tiếp cận mang tính bắt buộc. Quy mô doanh thu của các nhà xuất bản chưa đạt được như kỳ vọng, số lượng nhà xuất bản đạt doanh thu 100 tỷ rất ít. Chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ cũng là bài toán quan trọng đặt ra cho các đơn vị xuất bản, phát hành cũng như trong công tác quản lý ngành.

“Luật Xuất bản hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, thủ tục hành chính còn nặng, đặt ra yêu cầu phải có khung pháp lý mới trong quản lý, phát triển ngành. Trong năm nay, Bộ sẽ lập hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Xuất bản để phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, Bộ sẽ nghiên cứu để có sự đột phá trong phòng, chống sách lậu, in lậu, nhất là phòng, chống hành vi vi phạm trên không gian mạng”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.

Từ những nghiên cứu sâu về ngành Xuất bản, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Xuất bản, Ban Tư tưởng, Văn hóa Trung ương, đề xuất các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, hướng tới xây dựng hệ thống xuất bản đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc góp phần phát triển văn hóa đọc cộng đồng. Ảnh: Thu Hoài (TTXVN)

Thực tế, nhiều năm qua, mô hình hoạt động của các nhà xuất bản trong nước không có nhiều thay đổi, trong khi trên thế giới các nhà xuất bản đều thay đổi mô hình để đáp ứng yêu cầu phát triển. Một số mô hình mà ngành Xuất bản cần hướng tới là phát triển mạnh theo hướng hiện đại, xây dựng tổ hợp báo chí - xuất bản, tạo sức mạnh tổng hợp tác động vào người đọc; xây dựng các xuất bản phẩm chuyên ngành, chuyên sâu, trong đó cần có những cuốn sách chất lượng cao về mặt trí tuệ cũng như sách phổ thông, để có thể đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc hiện nay.

Đánh giá cao kết quả đạt được của ngành Xuất bản, phát hành trong năm 2022, ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý, trước những yêu cầu mới, ngành phải phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Trong đó, các đơn vị cần chú trọng nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, quan tâm đến những cuốn sách về chính trị, tư tưởng, lịch sử, về vấn đề chủ quyền… Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, việc thực hiện các xuất bản phẩm chuyên sâu, chuyên ngành là cần thiết để mỗi đơn vị có thể phát huy được thế mạnh riêng.

Hiện, cả nước có 57 nhà xuất bản, năm 2022, các đơn vị đã nộp lưu chiểu trên 38.000 xuất bản phẩm với gần 599 triệu bản. Trong đó, ấn phẩm in đạt hơn 32.600 cuốn, với gần 540 triệu bản; dạng điện tử là 3.350 xuất bản phẩm, hơn 32 triệu bản. Đáng chú ý, năm 2022, lần đầu tiên ngành Xuất bản đã đạt mục tiêu về tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người, với 6,02 bản/người/năm. Tổng doanh thu toàn ngành đạt gần 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 429 tỷ đồng.

Về lĩnh vực phát hành, hơn 2.000 đơn vị trong cả nước đã phát hành trên 519 triệu xuất bản phẩm; doanh thu đạt khoảng 4.500 tỷ đồng. Số lượng xuất bản phẩm xuất khẩu toàn ngành đạt 300.000 bản, nhập khẩu đạt 16,1 triệu bản.

Năm 2022, các chỉ số về đầu sách, bản sách, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước của lĩnh vực Xuất bản, phát hành đều tăng. Trong đó, nội dung, chất lượng xuất bản phẩm được nâng lên, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của xã hội, góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, dù có sự tăng trưởng rất mạnh về năng lực sản xuất, nhưng quy mô, doanh thu và lợi nhuận của các nhà xuất bản tăng chưa thực sự tương xứng. Mức vốn của phần lớn các nhà xuất bản còn thấp, thậm chí một số nhà xuất bản còn không có vốn, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Sách có giá trị và có sức lan tỏa còn ít, đặc biệt là ở thể loại chính trị, khoa học công nghệ. Vẫn còn xuất hiện xuất bản phẩm có nội dung sai sót, vi phạm, buộc phải sửa chữa hoặc bị các cơ quan chức năng xử lý.


Thu Hoài

Xem thêm