Môi trường

Hướng tới quản trị thông minh tài nguyên nước

Năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, duy trì vận hành hệ thống giám sát trực tuyến khai thác sử dụng nước đối với khoảng 600 công trình đã được bộ cấp phép.

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) quy định về quản lý, bảo vệ khai thác, sử dụng tài nguyên nước. (Nguồn ảnh: TTXVN)

TTXVN - Để đảm bảo hoạt động quản lý, khai thác và bảo vệ hiệu quả nguồn nước theo phương thức trực tuyến trên cơ sở quản trị thông minh, năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, duy trì vận hành hệ thống giám sát trực tuyến khai thác sử dụng nước đối với khoảng 600 công trình đã được bộ cấp phép. Cùng với đó, thúc đẩy xây dựng bản đồ số dự báo, cảnh báo hạn hán, thiếu nước kết nối với hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định trong điều hòa, công bố kịch bản nguồn nước. Các đơn vị ngành nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đề xuất các nhiệm vụ mới nhằm phục vụ cho việc thực thi Luật Tài nguyên nước, tập trung vào các nội dung về an ninh nguồn nước; hạch toán tài nguyên nước; sử dụng nước tuần hoàn, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả; cải tạo, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.

*Hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng điểm

Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2024, các đơn vị quản lý tài nguyên nước đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, xây dựng, trình ban hành 3 Nghị định, 4 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15; tổ chức thực hiện Đề án “Đánh giá tổng thể tác động và giải pháp ứng phó đối với việc các nước phát triển thủy điện trên dòng chính, chuyển nước sông Mê Công”. Đồng thời, xây dựng dự thảo kịch bản nguồn nước để đầu năm 2025 trình Bộ công bố để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng nước….

Đồng thời, Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Cục kiểm soát ô nhiễm trình Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố sức chịu tải của nguồn nước liên tỉnh và trình Bộ để Bộ trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt trên lưu vực sông: Bằng Giang - Kỳ Cùng, Mã, Ba, Trà Khúc, Kôn, Sê San, Srepok…..

Cục trưởng Châu Trần Vĩnh nhấn mạnh, năm 2023, lĩnh vực tài nguyên nước đã hoàn thành khối lượng công việc lớn theo chương trình công tác, trọng tâm là trình ban hành Luật Tài nguyên nước, 1 Nghị định, 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 6 nhiệm vụ Chính phủ. Đáng chú ý nhất là đối với lĩnh vực tài nguyên nước, Bộ đã hoàn thành xây dựng Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, với 468/472 (đạt 94,74%) phiếu đồng thuận.

Bên cạnh đó, các đơn vị đã ứng dụng hiệu quả hệ thống mạng thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành. Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã triển khai thực hiện tốt Kế hoạch chuyển đổi số trong công tác Quy hoạch, điều tra và bảo vệ tài nguyên nước giai đoạn (2021-2025), định hướng đến năm 2030.

Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên nước được đẩy mạnh. Năm 2023, Cục Quản lý tài nguyên nước đã thực hiện theo kế hoạch của Bộ và hoàn thành kiểm tra thường xuyên việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên nước đối với 30 đơn vị khai thác, sử dụng nước trên địa bàn 11 tỉnh.

Công tác quản lý tài nguyên nước trong dần đi vào nền nếp, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước với nguồn thu bình quân từ thuế tài nguyên nước khoảng 7,5 nghìn tỷ đồng/năm; nguồn thu từ tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/năm… Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố cũng đã tích cực tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành 122 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành để tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn. Cụ thể, 22/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương được phê duyệt quy hoạch tỉnh; 5/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã được phê duyệt Kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước…

*Hợp tác quốc tế trong quản lý tài nguyên nước

Ông John Riddiford, Hiệp hội nước quốc tế chia sẻ những thách thức về khan hiếm nước ở Autralia. (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Với vai trò là Trưởng nhóm tài nguyên nước của ASEAN, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác ASEAN về tài nguyên nước như: Hội nghị về nước của Liên hợp quốc vào tháng 3/2023, Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mê Công quốc tế lần thứ 4 diễn ra tại Lào; Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) vào tháng 12/2023 tại Dubai…

Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Linh cho biết, năm 2023, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch 5 năm hợp tác về tài nguyên nước giai đoạn 2018-2022 và hoàn thiện xây dựng Kế hoạch hành động 5 năm hợp tác tài nguyên nước Mê Công-Lan Thương giai đoạn 2023-2027...Đồng thời, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cũng tham gia góp ý kiến cho các văn kiện hợp tác và tham dự các cuộc họp liên quan trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Quan hệ Đối tác Mê Công-Hoa Kỳ; hợp tác Mê Công-Hàn Quốc, hợp tác Mê Công-Nhật Bản, Mê Công-Sông Hằng…

Để tăng cường hợp tác quốc tế trong tiểu vùng Mê Công, bà Nguyễn Thị Thu Linh cho rằng, năm 2024, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam sẽ chuẩn bị nội dung cho các Phiên họp Ủy ban Liên hợp, Phiên họp của Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế lần thứ 31 (tháng 11/2024 tại Lào). Cùng với đó, tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động hợp tác tài nguyên nước Mê Công-Lan Thương giai đoạn 2023 - 2027 và chuẩn bị nội dung và tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác tài nguyên nước Mê Công - Lan Thương lần thứ 2 tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Văn phòng sẽ tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia ven sông Mê Công trong trao đổi, chia sẻ thông tin về quy hoạch, chiến lược phát triển lưu vực sông Mê Công; chia sẻ thông tin về xây dựng và vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước./.

Diệu Thúy

Tin liên quan

Xem thêm