Thành phố Bạc Liêu tiếp tục linh hoạt, sáng tạo trong quá trình thực hiện nhằm khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, nhất là cần huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển đô thị.
Chiều 4/11, Tỉnh ủy Bạc Liêu tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng thành phố Bạc Liêu trở thành đô thị loại I theo hướng văn minh và từng bước hiện đại, với sự chủ trì của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Quốc Việt và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều.
Theo Bí thư thành phố Bạc Liêu Tô Việt Thu, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; các sở, ban, ngành tỉnh và thành phố Bạc Liêu kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 02-NQ/TU; cùng với sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị có liên quan đã góp phần thúc đẩy thành phố Bạc Liêu phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, hạ tầng đô thị được tăng cường đầu tư. Nhiều công trình, dự án trọng điểm được chuẩn bị đầu tư, triển khai, xây dựng trên địa bàn. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang theo hướng, xanh, sạch, đẹp.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Một số ngành nghề thế mạnh của thành phố Bạc Liêu được giữ vững và phát huy. Lĩnh vực du lịch có bước tăng trưởng mạnh, tạo lợi thế để xây dựng thành phố du lịch và trở thành đô thị loại I. Ý thức của đại bộ phận người dân đối với các phong trào, các cuộc vận động xây dựng đô thị văn minh ngày càng được nâng lên…
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về vị trí, tính chất đô thị, phạm vi ảnh hưởng của thành phố Bạc Liêu đối với sự phát triển của một vùng liên tỉnh còn hạn chế. Việc thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại I gặp nhiều khó khăn, đến nay, thành phố còn 12/63 tiêu chuẩn chưa đạt...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu Huỳnh Quốc Việt cho rằng, thời gian qua, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị tỉnh, thành phố Bạc Liêu đã có những nỗ lực rất lớn để triển khai thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy và đạt được những kết quả tích cực.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, trước đây tỉnh xác định xây dựng thành phố Bạc Liêu trở thành đô thị loại I vào năm 2025. Qua đánh giá khả năng, điều kiện, đến nay mục tiêu này không đạt. Vì vậy, tỉnh tiếp tục quyết tâm thực hiện và hoàn thành mục tiêu này đến năm 2030, đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1598/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hê duyệt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 891/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quá trình thực hiện, khi xét thấy đủ điều kiện, tỉnh sẽ tiến hành lập Đề án đề nghị công nhận thành phố Bạc Liêu là đô thị loại I.
Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo 8 nội dung trọng tâm đến Ban Chỉ đạo tỉnh, Đảng bộ thành phố Bạc Liêu trong việc thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU thời gian tới. Trong đó, cấp ủy, chính quyền thành phố phải tiếp tục nỗ lực xây dựng, cụ thể hóa các giải pháp để tổ chức thực hiện cho từng giai đoạn; linh hoạt, sáng tạo trong quá trình thực hiện nhằm khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là cần huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển đô thị thành phố; tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình nâng cấp đô thị quốc gia, nguồn vốn ODA, nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và nguồn vốn đầu tư toàn xã hội để phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội, hạ tầng đô thị.
Đồng thời, thành phố Bạc Liêu cần đẩy mạnh phát triển du lịch, xây dựng thành phố trở thành trung tâm du lịch của tỉnh và là một trong những trung tâm du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long; triển khai dự án chống ngập, khẩn trương rà soát dự án cải tạo, nạo vét hệ thống cống các tuyến đường… theo hướng thông minh, hiện đại.../.
- Từ khóa:
- phát triển
- Bạc Liêu
- đô thị loại I
- nguồn lực