Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng
Quốc hội sẽ dành cả ngày để thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...
Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội dành cả ngày 4/11 để thảo luận ở hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.
Theo Báo cáo của Chính phủ, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8-7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6-6,5%). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,88%. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt hơn 85% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ... Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025, Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, nhất là các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia; giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bên cạnh đó là đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển với tư duy đổi mới "vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới"; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe nhân dân...
Cơ bản thống nhất với các định hướng lớn, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu và nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, các đối tác thương mại đầu tư chính, tình hình giá cả, lạm phát, xu hướng hạ lãi suất, giảm thắt chặt tiền tệ để chủ động có giải pháp phù hợp.
Đồng thời, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số; nâng cao chất lượng lao động, năng suất lao động xã hội; phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ cấu hiệu quả nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả; đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật.../.