Mỗi bức tranh trong triển lãm “Câu chuyện vùng cao” là một câu chuyện, một góc nhìn về cuộc sống bình dị của người dân vùng cao.
Chiều 26/5, lễ khai mạc triển lãm tranh “Câu chuyện vùng cao” đã diễn ra tại Nhà triển lãm mỹ thuật, 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Triển lãm do võ sư - họa sỹ Hướng Tâm Đường (Nguyễn Chí Hướng) và họa sỹ Trần Nguyên Thế phối hợp tổ chức.
Triển lãm trưng bày gần 50 tác phẩm mỹ thuật, là lời tự sự được 2 họa sỹ kể bằng ngôn ngữ hội họa, qua chất liệu sơn dầu và arcylic. Mỗi bức tranh là một câu chuyện, một góc nhìn về cuộc sống bình dị của người dân vùng cao, phản ánh chân thực cuộc sống sinh hoạt đời thường, những phong tục tập quán và chân dung những con người vùng cao mộc mạc, thật thà, chất phác, dung dị mà gần gũi, thân quen.
Qua những gam màu rực rỡ, những nét vẽ uyển chuyển, 2 họa sỹ đã thổi hồn vào từng tác phẩm của mình, khiến cho người xem như được hòa mình vào thiên nhiên và không gian sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng núi phía Bắc.
Đó là chân dung những người phụ nữ trong bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu của dân tộc mình, như “Thiếu phụ Dao” (Logang), “Phút thảnh thơi”, “Giấc mơ trên lưng”, “Phút trầm tư”, “Chuyện đầu năm”, “Cô phù dâu người Dao”…; là những tác phẩm thể hiện phong tục tập quán mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc như “Đám cưới người Dao”, “Lễ cấp sắc”, “Lễ cầu mùa”…
Đó còn là những cảnh sắc mộc mạc, đơn sơ nhưng rất đỗi thân quen của vùng miền núi phía Bắc như tác phẩm “Nhà trên núi”, “Nắng chiều trên bản”, “Tia nắng ban mai”, “Mùa hoa cải”, “Đường cày trên nương đá”, “Làng Lô Lô Chải”…; hay đơn giản là những góc nhỏ yên bình trong ngôi nhà của đồng bào qua sơri 3 tranh “Bếp hồng”, “Trước hiên nhà”, “Bên khung dệt”…
Bà Mai Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, triển lãm trưng bày các tác phẩm của hai họa sỹ có tay nghề, tâm huyết và có tình yêu sâu sắc với văn hóa dân tộc. Các bức tranh đều vẽ về cảnh sắc miền núi phía Bắc, về sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc, giúp công chúng hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về nét độc đáo của văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Họa sỹ Hướng Tâm Đường chia sẻ, triển lãm “Câu chuyện vùng cao” được tổ chức với mong muốn giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật hội họa, khán giả Thủ đô và bạn bè trong nước, quốc tế… hiểu hơn về bản sắc văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp còn được gìn giữ của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc nói chung, đặc biệt là đồng bào người Mông vùng núi cao nguyên đá Hà Giang, đồng bào người Dao huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.
Triển lãm “Câu chuyện vùng cao” là sự gặp gỡ của 2 tâm hồn đồng điệu cảm xúc, họ từng là những người thầy giáo vùng cao, họ yêu văn hóa, yêu con người vùng cao, cả tuổi thanh xuân của họ đã gắn bó với mảnh đất và con người vùng cao. Triển lãm là lời tri ân đặc biệt mà 2 họa sỹ, hai người thầy giáo gửi tới đồng bào vùng cao yêu thương.
Võ sư, họa sỹ Hướng Tâm Đường (Nguyễn Chí Hướng), hội viên Hội Mỹ thuật tỉnh Bắc Giang. Ông từng là giáo viên dạy học, hiện đang công tác tại Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Ông đã tham gia nhiều cuộc triển lãm tỉnh và triển lãm khu vực Tây Bắc - Việt Bắc.
Họa sỹ Trần Nguyên Thế, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, từng là giáo viên dạy học ở Hà Giang, hiện đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã tổ chức nhiều triển lãm nhóm, triển lãm cá nhân tại Hà Nội, Hà Giang, Thành phố Hồ Chí Minh; từng tham gia nhiều triển lãm tranh khu vực Tây Bắc - Việt Bắc; Triển lãm tranh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh…
Tại lễ khai mạc, Câu lạc bộ văn nghệ đồng bào người Dao ở bản Nà Hin, xã Vân Sơn và bản Mậu, thị trấn Tây Yên Tử đã trình diễn trích đoạn Lễ cấp sắc của dân tộc Dao tới công chúng trong và ngoài nước.
Triển lãm “Câu chuyện vùng cao” mở cửa đón khách đến hết ngày 4/6./.