Khai thác giá trị hệ thống giao thông trong phát triển kinh tế tỉnh Thừa Thiên – Huế
Hội thảo thu hút nhiều tác giả trong và ngoài tỉnh viết bài đóng góp với 20 tham luận.
TTXVN - Sáng 23/6, tại thành phố Huế, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo khoa học "Hệ thống giao thông ở Thừa Thiên - Huế từ thế kỷ XIX đến nay".
Thừa Thiên - Huế nằm ở miền Trung, là một vùng đất giữ vai trò trọng yếu, cầu nối hai miền Nam, Bắc của đất nước. Trong hơn bốn thế kỷ là Thủ phủ, Kinh đô đất nước, Thừa Thiên - Huế phát triển mạnh hệ thống cơ sở vật chất, đặc biệt là giao thông.
Hội thảo nhằm nghiên cứu, đánh giá hệ thống giao thông tại Thừa Thiên – Huế từ thế kỷ XIX đến nay; từ đó đề xuất các giải pháp phát huy, khai thác giá trị hệ thống giao thông trong việc phát triển kinh tế địa phương và định hướng phát triển giao thông hiện nay.
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Tiến Dũng cho hay, hội thảo thu hút nhiều tác giả trong và ngoài tỉnh viết bài đóng góp, với 20 bài tham luận. Các tham luận nghiên cứu tập trung vào những nội dung: Hệ thống giao thông tại Kinh thành Huế; hệ thống giao thông Thừa Thiên – Huế xưa và nay; Phát huy giá trị hệ thống giao thông ở Thừa Thiên – Huế...
Dưới thời các vua Gia Long và Minh Mạng (1802 - 1841), hệ thống giao thông ở Kinh đô Huế đã phát triển mạnh mẽ, thể hiện tính chất của một quốc gia thống nhất. Thời kỳ Pháp thuộc, do yêu cầu quản lý và khai thác thuộc địa, hệ thống giao thông tại đây tiếp tục được mở rộng và đầu tư.
Sau ngày miền Nam giải phóng năm 1975, đặc biệt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới cùng sự phát triển của đất nước, hệ thống giao thông ở địa phương đã có những bước chuyển biến tích cực. Hệ thống hạ tầng được xây dựng mở rộng, đáp ứng nhu phát triển của địa phương và phục vụ đời sống của người dân. Từ đây, nhiều loại hình giao thông như đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không… nối kết các địa phương và quốc gia ngày càng phát triển.
Hệ thống thủy văn ở Thừa Thiên – Huế khá phức tạp và độc đáo với nhiều con sông đan nối nhau thành một mạng lưới và chảy hội tụ về hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trước khi ra Biển Đông. Du lịch đường thủy là một trong những thế mạnh để phát triển sản phẩm du lịch riêng của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từ nhiều năm qua, loại hình du lịch này đã và đang được đầu tư, khai thác, tạo sự hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Tại hội thảo, một số đại biểu đã đóng góp các đề xuất nhằm khai thác hiệu quả hệ thống đường thủy ở Thừa Thiên – Huế để phát triển kinh tế, địa phương.
Tiến sỹ Phạm Thị Huệ (Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ) cho rằng, các tour du lịch đường thủy bằng du thuyền, thưởng ngoạn cảnh quan hai bên bờ sông Hương (thành phố Huế) đã trở nên quen thuộc đối với du khách. Tuy nhiên, phát triển du lịch đường thủy trên toàn tỉnh vẫn chưa đồng bộ, vì vậy cần xây dựng phương án phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Thừa Thiên - Huế gắn với hình ảnh “trên bến dưới thuyền”. Nếu triển khai được dự án trên sẽ góp phần làm cho sản phẩm du lịch đường thủy có được diện mạo mới.
Nghiên cứu lịch sử thủy đạo ở Kinh thành Huế, Tiến sỹ Huỳnh Thị Anh Vân (Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) chia sẻ, dưới triều Nguyễn, hệ thống hào nước bao quanh tường Kinh thành và Hoàng thành Huế vừa mang chức năng phòng thủ, vừa mang ý nghĩa phong thủy, lại là tuyến giao thông quan trọng đối với việc đi lại, vận chuyển trong hoạt động của triều đình, quan quân và dân chúng. Nếu hệ thống đường thủy này được khai thông ở các khu vực đang bị bồi lắng, ách tắc và đảm bảo độ sâu cần thiết cho việc di chuyển các phương tiện đường thuỷ thì đây sẽ là một hình thức giao thông thuận tiện cho người dân địa phương khi cần đi ở những khoảng cách gần ở bốn mặt của Kinh thành, giảm tải áp lực về giao thông đường bộ đối với khu vực nội thành. Đặc biệt, phương án cũng sẽ cung cấp thêm những trải nghiệm mới cho du khách khi đến Huế./.
- Từ khóa:
- giao thông
- kinh tế
- Thừa Thiên – Huế