Khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực thi Luật Khám bệnh, chữa bệnh
Để Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 được thực thi theo đúng lộ trình, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các Vụ, Cục trực thuộc khẩn trương xây dựng nội dung Nghị định, Thông tư, Quyết định.
TTXVN - Nhằm đảm bảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 được thực thi theo đúng lộ trình từ 1/1/2024, ngày 25/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện công lập, tư nhân khu vực phía Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 đã được Quốc hội thông qua ngày 9/1/2023 với nhiều nội dung mới. Những thay đổi của Luật đã thể hiện sự tiến bộ trong việc tiếp cận, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển. Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này cũng đã tháo gỡ một số vướng mắc, giải quyết những bất cập, điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với bối cảnh thực tế, thể hiện rõ chính sách ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, một trong những điểm mới quan trọng là Luật đã quy định việc tổ chức thi đánh giá năng lực người hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề do Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện. Mặc dù quy định này tạo thêm áp lực cho người mới ra trường, nhưng đây là bước đột phá trong hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của các trường thuộc khối ngành sức khỏe và nâng cao chất lượng người hành nghề, đáp ứng mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm. Bên cạnh đó, Luật cũng đã cụ thể hóa một số nội dung về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; các hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; quản lý, kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh; quy định cụ thể trách nhiệm thiết lập và vận hành hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; bổ sung một số nội dung về bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề…
Để Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 được thực thi theo đúng lộ trình, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các Vụ, Cục trực thuộc khẩn trương xây dựng nội dung Nghị định, Thông tư, Quyết định, các đề án để có thể thực thi Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngay khi Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Bên canh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức, các đơn vị, địa phương có liên quan tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình soạn thảo các văn bản hướng dẫn và các đề án có liên quan, bảo đảm các quy định hướng dẫn chi tiết có tính khả thi, phù hợp, có chất lượng và đúng các quy định của Luật. Đồng thời, đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân xây dựng kế hoạch và tiếp tục phổ biến các nội dung của Luật để bảo đảm người hành nghề, các tổ chức, cá nhân tham gia hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hiểu đúng, làm đúng theo các quy định pháp luật về Khám bệnh, chữa bệnh. Trong quá trình thực hiện, nếu xuất hiện những vấn đề khó khăn, vướng mắc thì báo cáo và đề xuất giải pháp để kịp thời tháo gỡ.
Tại Hội nghị, bà Trần Thị Xuân Phượng, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất nên có các quy định rõ hơn về mức giá trần đối với dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế ngoài công lập. Trong thời gian qua, đơn vị này đã nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc một số cơ sở y tế tư nhân thu phí dịch vụ khám, chữa bệnh quá cao so với cùng dịch vụ đó tại các bệnh viện công lập và cơ sở y tế tư nhân khác. Tuy nhiên, khi thanh kiểm tra thì mức giá này đã được cơ sở đăng ký từ trước. Bà Trần Thị Xuân Phượng nêu ví dụ: Một số cơ sở y tế tư nhân thu phí thủ thuật như cắt bao quy đầu từ 60-70 triệu đồng, nạo phá thai từ 50-60 triệu đồng… mức giá này là quá cao nhưng do họ đã đăng ký từ trước nên không thể áp dụng xử phạt hành vi liên quan đến thu giá cao. Trong khi đó, Sở Y tế không thể khống chế giá trần dịch vụ khám chữa bệnh do không có quy định.
Đại diện một bệnh viện tư nhân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới có những quy định khắt khe hơn đối với bác sĩ người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam, đó là phải thông thạo tiếng Việt. Là đơn vị thường xuyên hợp tác với các bác sĩ nước ngoài để nâng cao chất lượng chuyên môn nên đơn vị cũng gặp khó khăn nhất định khi Luật được thực thi. Với quy định mới này, trong tương lai, để hợp tác với bác sĩ nước ngoài, đơn vị này sẽ phải triển khai theo hình thức chuyển giao kỹ thuật bởi để một bác sĩ người nước ngoài có chuyên môn cao có thể thông thạo tiếng Việt là điều không đơn giản.
Tại hội nghị các đại biểu cũng được nghe phổ biến một số nội dung như: Giới thiệu Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15; Giới thiệu quy định về đánh giá năng lực hành nghề và cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15; Giới thiệu quy định về tài chính y tế trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15… Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 gồm 12 chương và 121 điều, tăng 3 chương và 30 điều so với Luật hiện hành và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024./.