Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, đến nay, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn đã thực hiện các phương án phòng, chống cháy rừng vào mùa khô 2023; hàng ngày, lực lượng quản lý bảo vệ rừng đảm bảo trực 24/24 giờ.
TTXVN - Mùa khô là thời điểm nguy cơ cháy rừng rất cao. Các cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng tỉnh Khánh Hòa đang khẩn trương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế thiệt hại khi có cháy rừng xảy ra.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, hiện địa toàn tỉnh có trên 62.000 ha rừng dễ cháy, gồm trên 31.900 ha rừng tự nhiên và trên 30.300 ha rừng trồng.
Những ngày giữa tháng 3, những cánh rừng tự nhiên, rừng trồng thuộc địa bàn huyện Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa có các lớp thực bì dày, kết hợp thời tiết hanh khô, nguy cơ cháy rất cao. Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương (huyện Khánh Vĩnh) được UBND tỉnh Khánh Hòa giao quản lý bảo vệ trên 47.000 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm 91%, rừng trồng trên trên 2.800 ha tại đây.
Đi thăm các điểm chốt quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, ông Triệu Văn Minh, Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương cho biết: Dù mới bắt đầu bước vào mùa khô, thực bì khô, lá cây rụng xuống nhiều, nguy cơ cháy cao. Nguyên nhân cháy rừng thường xuất phát từ người dân đi đốt lửa lấy mật ong, phát dọn nương rẫy. Trước tình trạng đó, Công ty tăng cường vận động, yêu cầu người dân không đốt đưa lửa trong rừng .
Theo ông Triệu Văn Minh, công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng của đơn vị rất khó khăn do có diện tích rừng khá lớn, trải rộng trên địa bàn 5 xã của huyện Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa và giáp ranh với tỉnh Đăk Lăk. Hiện diện tích rừng trồng của đơn vị có khoảng 2.800 ha, trong đó 60 % diện tích có nguy cơ cháy. Bên cạnh đó, rừng còn nằm giáp ranh với nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi vậy, với phương châm 4 tại chỗ, đơn vị đã thành lập 4 đội quản lý bảo vệ và những các chốt nhỏ để kiểm soát, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Đặc biệt vào mùa khô, Công ty luôn xây dựng phương án bảo vệ rừng, nhất là phòng, chống cháy rừng. Hàng ngày, lực lượng quản lý bảo vệ rừng đảm bảo trực 24/24 giờ. Nhờ vậy, công tác bảo vệ rừng 5 năm gần đây của Công ty được Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa đánh giá tốt, không xảy ra vụ cháy nào trên địa bàn quản lý.
Anh Ngô Văn Thạch, cán bộ quản lý bảo vệ rừng thuộc Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương chia sẻ, vào cao điểm mùa khô, nguy cơ cháy cao, thành viên trong đội quản lý, bảo vệ rừng đã chuẩn bị bình xịt, dao phát, đảm bảo thời gian trực 24/24. Hàng ngày, các thành viên ghi nhật ký để biết được số người ra, vào rừng; đồng thời tuyên truyền người dân sử dụng lửa an toàn. Những người đi bắt ong bị trục xuất ra khỏi rừng vì họ dùng lửa để đốt tổ ong, rất dễ gây cháy rừng.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, đến nay, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn đã thực hiện các phương án phòng, chống cháy rừng, trong đó vận động người dân ký cam kết và thông báo trước khi đốt dọn nương rẫy; xác định các khu vực dễ cháy và xây dựng bản đồ cụ thể để triển khai công tác phòng, chống cháy rừng; bố trí lực lượng bảo vệ rừng, không để cháy lan, đảm bảo thông tin liên lạc.
Từ kinh nghiệm những năm qua, nhiều đơn vị chủ rừng xác định, để phòng, chống cháy rừng tốt, phải thực hiện giảm vật liệu cháy ở những khu vực trọng điểm, kịp thời phát hiện đám cháy giai đoạn mới bén lửa. Lực lượng bảo vệ rừng phải tập trung tối đa cho công tác phòng cháy trong cao điểm mùa khô.
Ông Trần Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa cho biết, để chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng, phá rừng gây ra, đơn vị đã có văn bản số 135/KL-QLBVR-BTTN về việc tăng cường thực hiện công tác bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng năm 2023. Đơn vị đã chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm trong tỉnh tham mưu cho các cấp chính quyền thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng; tổ chức kiểm tra việc thực thi phương án phòng, chống cháy rừng của các chủ rừng; bố trí lực lượng trực theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống Thông tin cảnh báo cháy sớm quốc gia để chuyển đến cơ sở kiểm tra, chỉ đạo, huy động lực lượng chữa cháy rừng khi có cháy trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, các đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã còn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, nhất là các hộ canh tác nương rẫy, sản xuất nông nghiệp gần rừng đốt nương rẫy, vệ sinh đồng ruộng đúng quy định, không gây cháy lan vào rừng; khi đốt dọn phải làm đường ranh cản lửa, cắt cử đủ người canh coi để kịp thời xử lý khi có cháy lan.../.
- Từ khóa:
- Khánh Hòa
- phòng cháy rừng mùa khô 2023