Du lịch

Khảo sát, đánh giá tuyến du lịch sinh thái ven sông Lam

Nghệ An

Khu vực ven sông Lam (đoạn từ thành phố Vinh đến các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương...) được đánh giá là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái ven sông.


Đoàn công tác Khảo sát, đánh giá tuyến du lịch sinh thái ven sông Lam.
Ảnh: Trịnh Duy Hưng-TTXVN

Chiều 27/12, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An tổ chức tọa đàm “Khảo sát, đánh giá tuyến du lịch sinh thái ven sông Lam ở thành phố Vinh và vùng phụ cận thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh".

Khu vực ven sông Lam (đoạn từ thành phố Vinh đến các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương...) được đánh giá là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái ven sông, kết hợp với các loại hình du lịch văn hóa và tâm linh. Qua khảo sát, nơi đây sở hữu cơ sở hạ tầng giao thông thuận lợi, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa phong phú, đặc biệt là Di sản Dân ca ví, giặm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã đánh giá tiềm năng phát triển du lịch ven sông Lam, thực trạng về cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, cảnh quan, cũng như khả năng kết nối các tour, tuyến du lịch ở khu vực này. Nhiều giải pháp được đề xuất nhằm xây dựng loại hình du lịch sinh thái ven sông Lam, góp phần phát triển thành phố Vinh thành đô thị du lịch ven sông.

Đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, sau cuộc khảo sát, Sở sẽ phối hợp với ngành Du lịch và các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các tour, tuyến cụ thể, xác định điểm đến hấp dẫn cho hành trình du lịch trên sông Lam. Trong giai đoạn đầu, trọng tâm sẽ là kết nối các điểm tham quan và trải nghiệm tại những địa danh nổi tiếng ven sông Lam, thuộc địa bàn thành phố Vinh, các huyện Nam Đàn, Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) và Nghi Xuân, Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh).

Du khách có thể ghé thăm đền chợ Củi ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Ảnh: Trịnh Duy Hưng-TTXVN

Trước đây, một số khách sạn và nhà hàng đã từng khai thác loại hình du lịch sinh thái ven sông Lam, cung cấp các dịch vụ như thưởng thức ẩm thực đặc trưng vùng sông nước, nghe hát Dân ca ví, giặm và tham quan các di tích lịch sử - văn hóa dọc tuyến sông. Tuy nhiên, các hoạt động này mang tính tự phát, chưa có sự đầu tư đồng bộ từ chính quyền và các doanh nghiệp. Điểm mấu chốt là thiếu chiến lược quy hoạch dài hạn, bao gồm việc xác định các điểm dừng chân, khu vui chơi, mua sắm, ngắm cảnh và sự phối hợp giữa các ngành, doanh nghiệp, địa phương liên quan./.

Trịnh Duy Hưng

Xem thêm