Xã hội

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở các xã sáp nhập

Địa phương tập trung phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường để xây dựng xã ngày càng phát triển.

Tiêu chí về nhà ở dân cư khó thực hiện trong xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng cao của tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

TTXVN - Tại tỉnh Cao Bằng, sau khi sáp nhập, lộ trình xây dựng nông thôn mới của các xã mới gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các tiêu chí về xây dựng hạ tầng giao thông, thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo... Do đó, các ngành chức năng của tỉnh cần phối hợp để đưa ra các giải pháp đồng bộ trong xây dựng nông thôn mới ở các xã sáp nhập.

* Nhiều tiêu chí khó đạt chuẩn

Tại huyện Hà Quảng, xã Trường Hà (cũ) đã về đích nông thôn mới năm 2015. Đến năm 2020, sau khi sáp nhập thêm xã Nà Sác, xã Trường Hà (mới) chỉ còn đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các tiêu chí chưa đạt là: quy hoạch, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo đa chiều. Về trường học, các xã sau sáp nhập có số lượng trường học trên địa bàn tăng, không đảm bảo tỷ lệ trường đạt chuẩn theo quy định, tăng nhu cầu đầu tư. Về giao thông, số km đường trục xóm, ngõ xóm tăng lên; do đó cần đầu tư hệ thống giao thông để đạt chuẩn theo quy định. Nhà văn hóa xã, xóm sau sáp nhập không đạt tiêu chuẩn về diện tích, sức chứa... Những khó khăn trong thực hiện các tiêu chí này chủ yếu là ở các xóm vùng cao của xã. Hiện, xã có 124 hộ nghèo (chiếm trên 15%). Hạn chế về cơ sở hạ tầng nông thôn, điện, nước sinh hoạt dẫn tới điều kiện sản xuất, kinh tế của các hộ dân gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc nâng cao đời sống và tăng tiêu chí thu nhập.

Chủ tịch UBND xã Trường Hà Triệu Văn Thuận cho biết, năm 2023, xã xác định hoàn thành tiêu chí về trường học và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Địa phương tập trung phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường để xây dựng xã ngày càng phát triển. Cùng với đó, xã tiếp tục triển khai tốt các chương trình, dự án, mô hình mới, góp phần hỗ trợ bà con phát triển kinh tế.

Thiếu nước dẫn đến khó phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho thu nhập cao ở xóm Lũng Loòng, Xxax Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng . (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Năm 2020, xã Minh Tâm (huyện Nguyên Bình) sáp nhập với xã Lang Môn và 1/2 xã Bắc Hợp thành xã Minh Tâm (mới). Sau sáp nhập, xã Minh Tâm mới chỉ đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhiều tiêu chí khó thực hiện như: thu nhập, hộ nghèo, môi trường, nhà ở dân cư…; trong đó, tiêu chí thu nhập và hộ nghèo là khó thực hiện bởi vì các xã sáp nhập là những xã vùng đặc biệt khó khăn, có nhiều hộ nghèo. Hết năm 2022, xã Minh Tâm có thu nhập bình quân đầu người đạt gần 28 triệu đồng/người/năm; còn 245 hộ nghèo (chiếm trên 30%)…

Ông Lục Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Minh Tâm chia sẻ, sau sáp nhập, nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới đòi hỏi lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, địa phương là xã thuần nông, việc huy động nguồn lực trong dân gặp nhiều gặp khó khăn. Trước tình hình đó, xã đang triển khai một số mô hình trồng rau màu, quế, cây dược liệu, chăn nuôi lợn đen để nâng cao thu nhập…

* Rà soát, đánh giá lại các tiêu chí

Theo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Cao Bằng, thực trạng sau sáp nhập, các địa phương gặp khó khăn trong xây dựng nông thôn mới diễn ra ở các xã Hồng Việt (huyện Hòa An), Vũ Minh (huyện Nguyên Bình), Phúc Sen (huyện Quảng Hòa)...

Các xã mới sáp nhập từ xã chưa đạt chuẩn hoặc sáp nhập từ xã đạt chuẩn với các xã chưa đạt chuẩn khiến lộ trình nông thôn mới còn khá gian nan. Các tiêu chí giao thông, thu nhập, môi trường… cần được đầu tư nhiều hơn. Một số chỉ tiêu trong các tiêu chí nông thôn mới của các xã có nguy cơ quay trở lại không đạt chuẩn vì thiếu duy tu, bảo dưỡng nên cơ sở vật chất xuống cấp.

Chăn nuôi trâu bò góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân xóm Lũng Loòng, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng Nông Thanh Mẫn cho biết, chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp. Nhiều xã từ đạt chuẩn nông thôn mới lại bị tụt nhiều tiêu chí do sáp nhập với các xã nghèo và khó khăn hơn. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ rà soát, đánh giá lại tiêu chí, đòi hỏi cách nhìn hệ thống, toàn diện và tầm nhìn xa hơn. Các tiêu chí về quy hoạch, giao thông, thu nhập; xây dựng mới cơ sở hạ tầng, nhất là trụ sở làm việc, trung tâm văn hóa - thể thao cần có sự định hướng, xem xét dài hạn, tránh đầu tư lãng phí, không cần thiết…

Cùng với đó, ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền để người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng có năng suất, chất lượng cao. Các địa phương cần hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, khoa học kỹ thuật, con giống cho người dân; giúp người dân xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm. Các xã sau sáp nhập, ngoài nguồn lực hỗ trợ cần chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể; tiếp tục tuyên truyền đến người dân về vai trò, chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao…/.

Chu Hiệu

Xem thêm