Việt Nam đang đứng trước kỷ nguyên vươn mình, phát triển khoa học ứng dụng là cấp thiết để giải quyết ngay các "bài toán" trước mắt, nhưng không thể bỏ qua phát triển khoa học cơ bản nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững và bứt phá trong tương lai.
Việt Nam đang đứng trước kỷ nguyên vươn mình, phát triển khoa học ứng dụng là cấp thiết để giải quyết ngay các "bài toán" trước mắt, nhưng không thể bỏ qua phát triển khoa học cơ bản nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững và bứt phá trong tương lai. Đây là nội dung được đề cập tại Tọa đàm “Khoa học cơ bản cho phát triển bền vững” do Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức ngày 16/5, tại Hà Nội.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Văn Trung, Viện trưởng Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, muốn phát triển bền vững thì phải chú trọng khoa học cơ bản nhưng thực tế cho thấy, nhiều quốc gia và nhà khoa học thường chọn nghiên cứu ứng dụng bởi lĩnh vực này có thể thấy ngay thành quả. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, quan tâm đầu tư cho nghiên cứu cơ bản cũng là đầu tư cho tương lai của nền khoa học - công nghệ nước nhà; góp phần phát triển nguồn nhân lực trình độ cao ở tuyến đầu của tri thức, đặc biệt là bậc sau đại học; gia cố nền tảng, năng lực nghiên cứu và đội ngũ cán bộ khoa học tài năng trong các trường đại học, viện nghiên cứu; từ đó gia tăng năng lực đón đầu, hấp thụ, ứng dụng và phát triển các hướng nghiên cứu mới, các công nghệ tiên tiến của thế giới phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.
Nghiên cứu cơ bản cần thời gian dài mà lại khó hơn, khi thành công thì mang lại lợi ích rất lớn. Ví dụ như nghiên cứu về công nghệ sinh học, biến đổi gen, vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo... xuất phát từ khoa học cơ bản đã mang lại giá trị vô cùng. Vì vậy, tọa đàm này là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi và đề xuất hướng phát triển khoa học cơ bản nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững và bứt phá trong tương lai, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Văn Trung nhấn mạnh.
Chia sẻ về đột phá khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong nghiên cứu khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển bền vững, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, những năm gần đây, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu đã có những định hướng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Trong đó, Viện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới như: AI, học máy, học sâu và dữ liệu lớn để cải thiện chất lượng dự báo và chuyển đổi số đồng bộ. Xây dựng hệ sinh thái dịch vụ Khí tượng thủy văn mở, phục vụ đa ngành, đặc biệt là nông nghiệp, nhằm tạo giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cởi trói cơ chế tài chính, hỗ trợ và khuyến khích đổi mới sáng tạo, đầu tư lớn cho nghiên cứu chiến lược về khí hậu.
Để phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Thanh Ngà kiến nghị, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần đầu tư hạ tầng công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để cập nhật kiến thức, công nghệ mới; kết hợp công nghệ mới và nhân lực mạnh mẽ để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững.
Bàn về ”Hydro xanh: năng lượng của tương lai”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đoàn Đình Phương, Viện Khoa học vật liệu cho rằng, Hydro xanh là phương pháp tích trữ năng lượng tái tạo, có khả năng giải quyết bài toán không phát thải khí CO2 cho nhân loại trong những thập kỷ tới. Các nước trên thế giới đang đầu tư rất nhiều chi phí để nghiên cứu phát triển và ứng dụng hydro trong các lĩnh vực: phát điện, giao thông vận tải, công nghiệp, hướng tới thay thế nhiên liệu hóa thạch. Cả 3 lĩnh vực trên đều đã có những nhà máy, sản phẩm đang trong quá trình thử nghiệm và thương mại hóa.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đoàn Đình Phương, những năm gần đây, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đi tiên phong trong nghiên cứu về công nghệ năng lượng hydro, bước đầu tạo ra các sản phẩm như thiết bị điện phân nước sản xuất hydro, thiết bị pin nhiên liệu hydro, có khả năng ứng dụng ở quy mô nhỏ.
Để phát triển bền vững nghiên cứu khoa học cơ bản trong thời gian tới, các chuyên gia đề xuất, Nhà nước cần tiếp tục kiên trì quan tâm đầu tư, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường thích hợp để nghiên cứu cơ bản của Việt Nam tiếp tục củng cố nền tảng và phát triển bứt phá, đóng góp xứng đáng vào hoạt động khoa học và công nghệ chung cũng như các mục tiêu dài hạn phát triển đất nước. Việc đầu tư cho đề tài khoa học cơ bản cần tham vấn những nhà khoa học đầu ngành, tránh áp đặt không hợp lý... các cơ quan chức năng cần chủ động đặt hàng và dành ngân sách thỏa đáng cho những đề tài cơ bản./.
- Từ khóa:
- Khoa học cơ bản
- phát triển bền vững
- tương lai