Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm khai thác hiệu quả tối đa các nguồn dữ liệu hiện có, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước dựa trên dữ liệu số, thúc đẩy chuyển đổi trong các ngành, lĩnh vực.
Ngày 16/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh tổ chức tập huấn về ứng dụng công nghệ AI để nâng cao hiệu suất công việc cho hơn 300 cán bộ, công chức, viên chức.
*AI hỗ trợ số hóa di sản, bảo tồn và phục dựng các giá trị văn hóa
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm triển khai sâu rộng các phong trào “Bình dân học vụ số”, “Bình dân học AI”. Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm khai thác hiệu quả tối đa các nguồn dữ liệu hiện có, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước dựa trên dữ liệu số, thúc đẩy chuyển đổi trong các ngành, lĩnh vực.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Sở mới chỉ dừng lại ở việc nạp, khai thác các dữ liệu mang tính thô (tài liệu số hóa vẫn ở mức scan từng trang văn bản, vẫn phải sử dụng sức lao động của con người) mà chưa biết khai thác, sử dụng triệt để phần mềm trợ lý ảo, ứng dụng Chat GPT hay sử dụng một số ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xử lý công việc.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, AI có thể hỗ trợ số hóa di sản, bảo tồn và phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống; thông qua công nghệ có thể số hóa tài liệu cổ, tạo ra các bảo tàng ảo, hoặc phục dựng hình ảnh, âm thanh của các lễ hội truyền thống. Điều này giúp truyền tải giá trị văn hóa đến cộng đồng một cách sống động, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, AI có thể được ứng dụng để phân tích hiệu suất vận động viên, xây dựng giáo án tập luyện cá nhân hóa, giám sát quá trình hồi phục chấn thương, và dự báo kết quả thi đấu. Điều này sẽ giúp nâng cao thành tích thể thao, chuyên nghiệp hóa công tác huấn luyện, đồng thời hỗ trợ việc tổ chức các sự kiện thể thao một cách khoa học, hiệu quả.
AI còn giúp nâng cao trải nghiệm cho du khách thông qua các ứng dụng trợ lý ảo, đề xuất hành trình thông minh, phân tích dữ liệu du lịch để xây dựng chiến lược quảng bá hiệu quả. Việc ứng dụng chatbot trong tư vấn du lịch, dịch tự động ngôn ngữ, hay công nghệ thực tế ảo – thực tế tăng cường (VR/AR) trong giới thiệu danh lam thắng cảnh sẽ tạo nên sức hấp dẫn mới cho ngành du lịch Quảng Ninh.
Đối với du khách, thông qua việc phân tích những yếu tố như ngày đi, ngân sách và sở thích cá nhân, các hệ thống sử dụng AI có thể đưa ra kế hoạch du lịch phù hợp cho từng du khách và có tích hợp liền mạch với các nền tảng đặt chỗ. Nhờ vậy mà quá trình từ lập kế hoạch đến đặt chỗ sẽ trở nên dễ dàng, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí hơn.
Ngoài ra, các chatbot và trợ lý ảo do AI điều khiển cũng cung cấp hỗ trợ theo thời gian thực, giúp du khách nghiên cứu, đặt chỗ và tùy chỉnh suốt chuyến đi.
*Ứng dụng AI phát triển các sản phẩm du lịch và dịch vụ văn hóa số
Bà Jenny Nguyễn, Trưởng Cộng đồng Công nghệ AI Techfest, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Đơn vị chia sẻ kiến thức về trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt ứng dụng trong hoạt động thực tiễn của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, để người học có thêm những kiến thức mới, cũng như nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và lợi ích của chuyển đổi số, thay đổi thói quen làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã nghe chuyên gia giới thiệu và hướng dẫn cụ thể cách sử dụng các phần mềm AI; đề xuất hướng áp dụng công nghệ AI vào thực tiễn để đạt hiệu quả tối ưu nhất... Các đại biểu được thực hành dùng câu lệnh làm tài liệu, văn bản, hợp đồng, lên kế hoạch tổ chức các chương trình, nội dung truyền thông, trải nghiệm chatbot tự động tư vấn và chăm sóc, gọi điện đa ngôn ngữ. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng chia sẻ các bài học kinh nghiệm và tác động của AI khi ứng dụng phát triển các sản phẩm du lịch và dịch vụ văn hóa số; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa số độc đáo, hấp dẫn như các tour du lịch ảo, trải nghiệm văn hóa thực tế ảo, tăng cường ứng dụng, tương tác với di sản.
Thông qua buổi tập huấn, học viên có thêm kỹ năng, kiến thức ứng dụng AI và phát triển các nền tảng số phục vụ quản lý, điều hành, thực hiện các công việc, nhiệm vụ chuyên môn về văn hóa, thể thao và du lịch.
Trong giai đoạn 2025-2030, Quảng Ninh tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số. Năm 2025, Sở Khoa học và Công nghệ dự kiến trình UBND tỉnh Quảng Ninh 45 nhiệm vụ trọng tâm và 14 dự án, với tổng mức đầu tư dự kiến 125,839 tỷ đồng (ngân sách tỉnh khoảng 63,175 tỷ đồng). Qua những chương trình này, người dân, đặc biệt là những đối tượng ít có điều kiện tiếp cận công nghệ, có thể nắm bắt và làm chủ công nghệ số, từ đó tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số, xã hội số./.