Hệ thống này được xây dựng trên nền tảng công nghệ WebGIS (Hệ thống thông tin địa lý trên nền web) kết hợp công nghệ bản đồ tương tác, cho phép người dùng dễ dàng tra cứu các thông tin chi tiết về quy hoạch như mục đích sử dụng đất, mật độ xây dựng.
Mô hình “Nghiên cứu xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu thông tin quy hoạch và hệ thống tra cứu trực tuyến” (gọi tắt là mô hình) do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định, Trung tâm Công nghệ Thông tin Địa lý (Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) đồng chủ nhiệm đã và đang được triển khai ở tỉnh. Mô hình đem lại hiệu quả khi góp phần minh bạch hóa thông tin quy hoạch, nâng cao hiệu quả quản lý đô thị, hỗ trợ cơ quan quản lý trong công tác quy hoạch, giúp đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác trong kiểm soát, điều chỉnh các dự án quy hoạch thiếu hiệu quả.
Việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS - Geographic Information System) để hội nhập xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nòng cốt là sự đột phá của công nghệ số là một chủ trương được Bình Định đặc biệt quan tâm. Dựa trên cơ sở này, năm 2023, ngành chức năng của tỉnh thí điểm mô hình tại thị xã Hoài Nhơn (được quy hoạch trở thành đô thị hạt nhân phía Bắc tỉnh Bình Định).
Qua thời gian ngắn triển khai, mô hình đem lại kết quả khả quan, giúp địa phương xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu GIS chuyên đề quy hoạch xây dựng hoàn chỉnh qua các quá trình, khảo sát, thu thập, cập nhật và kế thừa các dữ liệu. Việc thực hiện số hóa, biên tập, nắn chỉnh tọa độ theo đúng quy định, quy chuẩn của nhà nước ban hành về dữ liệu GIS; xây dựng nên hệ thống phần mềm trên các nền tảng WebGIS và App mobile như ứng dụng “Quản lý thông tin quy hoạch”, “ Tra cứu thông tin quy hoạch”, “App mobile tra cứu thông tin quy hoạch”…
Năm 2024, huyện Phù Cát bắt đầu triển khai mô hình ứng dụng Khoa học công nghệ chuẩn hóa hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin - quy hoạch xây dựng chung và thí điểm hệ thống tra cứu trực tuyến thông tin quy hoạch chi tiết 3 đô thị (thị trấn Ngô Mây, thị trấn Cát Tiến và thị trấn Cát Khánh) với nhiều cải tiến đáng kể.
Hệ thống tra cứu thông tin quy hoạch của huyện Phù Cát tới nay đã chuẩn hóa 46 đồ án quy hoạch (bao gồm 1 quy hoạch vùng, 4 quy hoạch chung đô thị, 14 quy hoạch chung xây dựng của 14 xã cùng 27 quy hoạch chi tiết cho 3 đô thị nói trên). Bộ cơ sở dữ liệu GIS bao gồm nhóm dữ liệu nền và 9 nhóm dữ liệu về quy hoạch xây dựng với hơn 95.000 đối tượng được số hóa như: Dữ liệu về quy hoạch sử dụng đất, giao thông, hệ thống cấp điện, chiếu sáng, cấp thoát nước, cây xanh, thông tin liên lạc, đánh giá tác động môi trường.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phù Cát đánh giá, hệ thống mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đặc biệt hỗ trợ hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành và tra cứu thông tin. Nó không chỉ giúp cung cấp nhanh thông tin quy hoạch, chức năng chỉ đường của hệ thống mà còn giúp nhà đầu tư tìm đến địa điểm một cách dễ dàng. Qua đó, giúp nâng cao khả năng thu hút đầu tư. Hệ thống này là giải pháp công nghệ được thiết kế nhằm chuẩn hóa và công khai minh bạch các dữ liệu về quy hoạch đô thị. Được xây dựng trên nền tảng công nghệ WebGIS (Hệ thống thông tin địa lý trên nền web) kết hợp công nghệ bản đồ tương tác, hệ thống cho phép người dùng dễ dàng tra cứu các thông tin chi tiết về quy hoạch như mục đích sử dụng đất, mật độ xây dựng, số tầng cao tối đa, hệ số sử dụng đất và các thông tin về hạ tầng kỹ thuật.
Hệ thống tra cứu quy hoạch trực tuyến sử dụng lưu trữ đám mây, thay thế quản lý giấy tờ truyền thống giúp tránh mất dữ liệu và hỗ trợ chia sẻ thông tin giữa các sở, ngành. Với chức năng dùng chung, người dùng có thể truy cập thông tin công khai mà không cần đăng nhập. Hệ thống này được công khai tại địa chỉ http://quyhoachphucat.ditagis.com, cho phép người dùng tra cứu thông tin quy hoạch qua thiết bị kết nối internet thay vì đến trực tiếp cơ quan nhà nước, giúp tiết kiệm thời gian và giảm tải công việc cho cán bộ quản lý.
“Chính sự tiện ích này, huyện đang nỗ lực chuẩn hóa quy hoạch chi tiết cho 14 xã còn lại, đặc biệt là khu vực phía Nam đầm Đề Gi và cụm công nghiệp Cát Hiệp nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tra cứu của người dân và doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Kim Liên nói.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định thông tin, công tác quản lý đô thị ở nước ta cũng như các nước trên thế giới đang đứng trước thách thức lớn như sự gia tăng nhanh dân số đô thị, quá trình đô thị hóa, tình trạng ô nhiễm môi trường, việc quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị đặc biệt là hạ tầng ngầm chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của đô thị. Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị là cần thiết; trong đó nổi bật là hệ thống thông tin địa lý (GIS - Geographic Information Systems) - một công nghệ hữu ích trong quản lý, xử lý tích hợp các dữ liệu đô thị có tọa độ địa lý (bản đồ) với các dạng dữ liệu khác nhau để biến thành thông tin hữu ích trợ giúp các nhà quản lý trong lựa chọn địa điểm, quản lý cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ đô thị một cách hợp lý...
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hà nêu rõ, mô hình thu hút sự quan tâm của nhiều địa phương và Sở đang xây dựng lộ trình để từng bước nhân rộng ra toàn tỉnh. Về lâu dài, để hệ thống có thể phát huy tối đa hiệu quả, Sở định hướng ban hành quy chế cập nhật và khai thác dữ liệu GIS phục vụ quản lý quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật đô thị ở tỉnh nhằm thiết lập, duy trì và vận hành cơ sở dữ liệu khung cho hệ thống đô thị trên nền GIS đã thực hiện trong giai đoạn khởi tạo cũng như tiến hành liên thông dữ liệu quy hoạch với các dữ liệu dân cư, đất đai, giao thông, môi trường và đầu tư xây dựng.
Sở phối hợp các sở, ngành liên quan tiếp tục triển khai ứng dụng GIS phục vụ công tác quản lý đô thị theo hướng GIS 3D, BIM; sử dụng dữ liệu vệ tinh độ chính xác cao theo thời gian thực nhằm thực hiện mô hình thí điểm quản lý đô thị thông minh theo mô hình 3D - 4D theo dõi được biến động của đô thị theo thời gian gần với thời gian thực (Near Realtime).../.
- Từ khóa:
- Hiệu quả
- công nghệ số
- trực tuyến
- quy hoạch.