Nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và hợp tác xã tại Ninh Thuận đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các nền tảng trực tuyến
Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng kinh doanh hiện đại, mang lại nhiều lợi ích vượt trội về thời gian, chi phí và khả năng mở rộng thị trường, tỉnh Ninh Thuận đang tích cực ứng dụng nền tảng này để quảng bá và nâng cao hiệu quả tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của địa phương.
* Đưa sản phẩm OCOP đi xa
Nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và hợp tác xã tại Ninh Thuận đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Tiki, Shopee, Buudien.vn, các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử của tỉnh (sanphamninhthuan.vn). Các kênh bán hàng trực tuyến này đang chứng tỏ hiệu quả rõ rệt trong việc tiêu thụ đa dạng các sản phẩm OCOP, đặc trưng của địa phương từ nông sản như: nho, táo, nha đam, măng tây xanh, hành tím, tỏi, mật nho... đến các sản phẩm chế biến và hải sản như: nước mắm cá cơm, hải sản khô, yến sào, mủ trôm khô, mứt rong sụn, thịt dê, thịt cừu...
Bà Hoàng Thị Phương Anh, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thực phẩm và gia vị JiJi Ninh Thuận (xã Tri Hải, huyện Ninh Hải) cho biết, công ty hiện có năm dòng sản phẩm nước mắm cá cơm. Sản phẩm được sản xuất theo quy trình truyền thống kết hợp công nghệ sáng chế đã được đăng ký bảo hộ độc quyền, dùng nước ép dứa tươi để làm mềm vị, giảm mặn, thơm ngon, giữ nguyên hương vị tự nhiên của nước mắm truyền thống. Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao với hai dòng sản phẩm nước mắm 30 độ đạm (loại thượng hạng) và nước mắm 50 độ đạm (loại siêu đặc biệt).
Bà Hoàng Thị Phương Anh chia sẻ: "Bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, chúng tôi đã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Facebook, Zalo, TikTok, cửa hàng OCOP... giúp sản phẩm được quảng bá rộng rãi và tiếp cận nhiều khách hàng hơn, đạt sản lượng tiêu thụ trên 1.000 lít nước mắm các loại mỗi tháng".
Ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, hoạt động đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đang được các cơ sở sản xuất, kinh doanh tích cực triển khai. Chỉ tính riêng sàn thương mại điện tử của tỉnh (sanphamninhthuan.vn) đã thu hút 96 đơn vị với 418 sản phẩm, trong đó có 100% sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên được đưa lên sàn. Song song với đó, Sở đã cung cấp nhiều gói hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, cơ sở như: xây dựng 14 bộ thương hiệu trực tuyến, 18 website thương mại điện tử riêng, hỗ trợ 18 phần mềm bán lẻ và giúp 220 đơn vị ứng dụng hợp đồng điện tử trong giao dịch.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai các giải pháp thanh toán điện tử hiện đại như: Internet banking, mobile banking, ngân hàng số, QR code, POS... tạo thuận lợi tối đa cho các giao dịch trực tuyến. Sở Công Thương cũng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn chuyên sâu về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chủ thể OCOP, hộ kinh doanh trên địa bàn để nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các nền tảng trực tuyến.
* Tăng cường các giải pháp hỗ trợ
Ninh Thuận đang đặt mục tiêu trở thành một trong những địa phương đi đầu trong ứng dụng thương mại điện tử và phát triển kinh tế số. Tỉnh xác định bốn trụ cột chính để phát triển kinh tế số gồm: thương mại điện tử kết hợp thanh toán không dùng tiền mặt; số hóa các ngành kinh tế; quản trị số; dữ liệu số. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 12% GRDP của tỉnh; doanh thu thương mại điện tử đạt 7% tổng mức bán lẻ, 100% sản phẩm OCOP sẽ được đưa lên các sàn thương mại điện tử trong nước.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của thương mại điện tử trong bối cảnh hiện nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng khẳng định, việc phát triển thương mại điện tử gắn kết chặt chẽ với hoạt động xúc tiến thương mại sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu. Các nền tảng trực tuyến mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp doanh nghiệp tiếp cận các phương thức phân phối hiện đại, tiết kiệm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì vậy, tỉnh đang tập trung huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù; khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho thương mại điện tử.
Để cụ thể hóa các mục tiêu và chiến lược phát triển thương mại điện tử, năm 2025, tỉnh Ninh Thuận dự kiến chi 685 triệu đồng cho các hoạt động hỗ trợ. UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh cùng các đơn vị liên quan tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: xây dựng và phát triển kênh bán hàng trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử phổ biến; vận hành và liên tục nâng cấp sàn thương mại điện tử đặc thù của tỉnh (sanphamninhthuan.vn); tổ chức các chương trình tập huấn chuyên sâu về thương mại điện tử; tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và các chủ thể OCOP tham gia hiệu quả vào các sàn thương mại điện tử; xây dựng kế hoạch chi tiết cho phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2026 – 2030.
Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh các chương trình phối hợp với các đơn vị đào tạo, tư vấn chuyên sâu về quy trình bán hàng trực tuyến, các mô hình kinh doanh, giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C); hướng dẫn tích hợp thanh toán trực tuyến, nâng cao kỹ năng quảng bá và marketing sản phẩm hiệu quả trong kỷ nguyên số. Đồng thời, tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ quan như: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức các hoạt động kết nối, đưa các sản phẩm tiếp cận các sàn thương mại điện lớn.
Tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng siết chặt hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa và các giao dịch trên môi trường mạng nhằm xây dựng niềm tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ.
- Từ khóa:
- OCOP
- thương mại điện tử
- Ninh Thuận