Khoa học

Kết nối phát triển hệ sinh thái thiết bị bay không người lái mang dấu ấn Việt Nam

TP. Hồ Chí Minh

Thiết bị bay không người lái không chỉ là một công cụ kỹ thuật, mà đang dần trở thành một nền tảng chiến lược, mở ra không gian mới cho giáo dục STEM, quốc phòng, nông nghiệp chính xác, logistics và đô thị thông minh.


Ông Bùi Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về thống giáo dục đào tạo thông minh trong lĩnh vực Drone. 
Ảnh: Tiến Lực - TTXVN

Sáng 16/5, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Phát triển hệ sinh thái Drone/UAV thông minh trong giáo dục đào tạo và công nghiệp”, nhằm tạo diễn đàn kết nối liên ngành với mục tiêu hiện thực hóa một hệ sinh thái Drone/UAV (thiết bị bay không người lái) mang đậm dấu ấn Việt Nam.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quốc Cường, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố, trong kỷ nguyên số, khi trí tuệ nhân tạo (AI), mạng 5G và Internet vạn vật (IoT) đang dẫn dắt cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thiết bị bay không người lái không chỉ là một công cụ kỹ thuật, mà đang dần trở thành một nền tảng chiến lược, mở ra không gian mới cho giáo dục STEM, quốc phòng, nông nghiệp chính xác, logistics và đô thị thông minh.

“Ngành công nghiệp Drone/UAV tăng trưởng mạnh mẽ và là trọng tâm đầu tư của nhiều quốc gia và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc đua này. Chúng ta phải đặt ra một mục tiêu cao hơn, không chỉ theo kịp, mà phải kiến tạo bản sắc riêng, vươn lên làm chủ công nghệ, dẫn dắt thị trường trong những phân khúc có lợi thế”, ông Lê Quốc Cường chia sẻ.

Thiếu tá Phạm Công Nguyên, Ban Chỉ huy quân sự quận Phú Nhuận - Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về Drone/UAV trong quốc phòng - an ninh. 
Ảnh: Tiến Lực - TTXVN

Theo các chuyên gia, chìa khóa để hiện thực hóa điều đó chính là phát triển hệ sinh thái toàn diện, lấy giáo dục và đào tạo làm trung tâm, kết nối chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp và cộng đồng đổi mới sáng tạo; trong đó, cần phát triển hệ thống giáo dục đào tạo thông minh trong lĩnh vực Drone, bao gồm từ kiến thức, kỹ năng, thực hành, học liệu số, học tập cá nhân hóa với AI.

Là người được Bộ Quốc phòng đào tạo Chỉ huy bay - Vận hành tổ hợp máy bay trinh sát không người lái VUA-SC3G, Thiếu tá Phạm Công Nguyên (Ban Chỉ huy Quân sự quận Phú Nhuận - Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, khó khăn hiện nay là chưa có trường lớp hay trung tâm có chương trình, giáo trình giới thiệu, tiếp cận và đào tạo sử dụng, lắp ráp Drone FPV (Drone góc nhìn thứ nhất); chủ yếu vẫn là tự nghiên cứu tìm hiểu qua mạng và hoạt động qua các hội nhóm tự phát, chưa có sự quản lý của chính quyền; chưa có nhiều nhân sự được tiếp xúc với nền tảng Drone FPV…

Theo Thiếu tá Phạm Công Nguyên, cần tạo nền tảng cơ bản hiểu biết chung về Drone, qua đó sàng lọc phân loại được lớp nhân sự có đam mê, hiểu biết, thuận tiện cho việc đào tạo sau này; thành lập các câu lạc bộ, đội nhóm sinh hoạt về lĩnh vực Drone, hoạt động dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền; đưa Drone cơ bản vào giáo dục phổ thông. Ví dụ, đưa DroneSoccer (sử dụng Drone trong lồng lưới) vào môn Công nghệ và Thể dục để rèn luyện kỹ năng điều khiển và tư duy chiến thuật.

Cùng quan điểm trên, ông Bùi Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, DroneSoccer có thể tích hợp vào chương trình học chính khóa, kết hợp giữa môn Công nghệ và Thể thao, tạo nên trải nghiệm học tập đa chiều. Đây là môn thể thao hiện đại, kết hợp công nghệ và kỹ năng vận động, được tổ chức trong không gian an toàn với lồng lưới bảo vệ. Học sinh không chỉ học cách điều khiển Drone mà còn phát triển tư duy chiến thuật, sáng tạo và kỹ năng phối hợp nhóm hiệu quả.

Tại Khu Công nghệ cao, Ban Quản lý đã xác định vai trò tiên phong trong xây dựng hệ sinh thái công nghệ Drone/UAV thông minh và bền vững. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại khu như Gremsy, Realtime Robotics đã phát triển vươn tầm thế giới; các chương trình hợp tác đào tạo thực chiến với các trường đại học, viện nghiên cứu cũng được triển khai, tất cả đều được đặt trong một chiến lược dài hạn. Tầm nhìn được Khu xác định là trở thành trung tâm thử nghiệm, sáng tạo và thương mại hóa công nghệ Drone/UAV hàng đầu khu vực Đông Nam Á./.

Vũ Tiến Lực

Xem thêm