Chương trình sẽ tuyên dương, nhân rộng những mô hình, nhân tố tích cực làm giàu từ biển; tôn vinh những hành động tốt đẹp, khoa học để bảo vệ biển, nuôi dưỡng nguồn sinh của biển...
TTXVN - Ngày 17/5, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ và Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Ban Tổ chức chương trình đã trao 200 phần quà tặng cho 200 ngư dân huyện Cần Giờ (trị giá khoảng 4 triệu đồng/phần quà) gồm một bộ ắc quy và đèn Led, 200 túi thuốc chống nước cùng một số thuốc thông dụng; tặng 200 cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản” do Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh chủ biên với nhiều kiến thức về pháp lý cần thiết dành cho ngư dân.
Cuốn cẩm nang góp phần nâng cao kiến thức, nhận thức pháp luật cho ngư dân; đồng hành cùng các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương thực hiện Kế hoạch hành động tháo gỡ thẻ vàng IUU do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Ngoài ra, Chương trình trao 10 phần học bổng cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn của huyện Cần Giờ (mỗi phần quà trị giá trên 3 triệu đồng) và tổ chức thăm, tặng quà 3 hộ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn.
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, Thành phố vừa có biển, có sông, vừa có kênh rạch, vừa có đảo và núi, là một địa phương có đầy đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Trên thực tế, nhiều năm nay, Thành phố luôn hướng tới việc phát triển kinh tế biển, hướng về phía Đông. Ngoài ra, Thành phố cũng đã đầu tư cảng biển và sắp tới đây là cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Tuy nhiên, kinh tế biển của Cần Giờ không quá phát triển so với cả nước mặc dù nhiều người dân huyện Cần Giờ đang sống dựa vào biển.
Trên thực tế, thu nhập từ biển chủ yếu chỉ giúp ngư dân đủ sống qua ngày chứ chưa thể làm giàu từ biển, vì vậy Thành phố Hồ Chí Minh cần hướng đến các doanh nghiệp làm kinh tế biển nuôi trồng thủy sản, logistics trên địa bàn. Trong tương lai, Thành phố Hồ Chí Minh phải trở thành một trong những mắt xích quan trọng để tiêu thụ, chế biến các hàng hóa thủy hải sản của cả nước, trong đó, huyện Cần Giờ sẽ là trung tâm thủy sản của Thành phố.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh: Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian tới, Thành phố sẽ tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp thủy hải sản và bà con ngư dân có thể khai thác thủy sản tốt hơn từ biển Cần Giờ; tiếp tục bám biển, phát triển kinh tế biển. Mỗi ngư dân Thành phố phải chuẩn bị tâm thế và kiến thức để phát triển kinh tế biển, làm chủ biển.
Tổng Biên tập Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh Mai Ngọc Phước, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” cho biết: Chương dự kiến được triển khai thực hiện trong thời gian 3 năm (từ nay đến 2025) tại 28 tỉnh, thành phố có biển, bắt đầu từ huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), sau đó đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Ninh Thuận trong giữa tháng 6/2023. Kế đó, chương trình sẽ đến với bà con ngư dân ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa.
Theo ông Mai Ngọc Phước, cùng với các hoạt động thăm tặng, quà, tặng học bổng tại các địa phương, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” còn tuyên dương, nhân rộng những mô hình, những nhân tố tích cực làm giàu từ biển; tôn vinh những hành động tốt đẹp, khoa học để bảo vệ biển, nuôi dưỡng nguồn sinh của biển; tạo ra các giá trị cạnh tranh cho ngành Thủy sản Việt vươn ra quốc tế. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức chương trình còn kết hợp với các bộ, ngành, các đơn vị, địa phương phổ biến kiến thức pháp luật cho ngư dân... Cụ thể, trong tháng 6/2023, Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức một buổi tọa đàm ở Bà Rịa - Vũng Tàu để cùng thảo luận, đưa ra các giải pháp tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt. Tọa đàm có sự tham gia của nhiều bộ, ngành trung ương, cơ quan thực thi pháp luật trên biển và các chuyên gia pháp lý...
Ban Tổ chức chương trình mong muốn, bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, Chương trình sẽ góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của bà con ngư dân khi tham gia đánh bắt trên biển; qua đó, cùng Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương, cấp bách tháo gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt Nam. Đồng thời, chương trình cũng là cầu nối để cộng đồng xã hội cùng chung tay hỗ trợ ngư dân an tâm bám biển, khẳng định, gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./.