Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị góp ý dự thảo 2 bộ Luật
Các đại biểu góp ý cần bố trí quỹ đất quy hoạch cho nhà ở xã hội tránh manh mún; có kế hoạch chiến lược phát triển nhà ở dài hạn...
TTXVN - Chiều 16/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu vực quân sự.
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản đồng tình với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và nêu những khó khăn, vướng mắc đối với phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh hiện nay. Đặc biệt, các đại biểu cho rằng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần có thời hạn sử dụng cụ thể của nhà chung cư; xử lý các lỗi liên quan đến mua bán, chuyển nhượng các dự án bất động sản; bố trí quỹ đất quy hoạch cho nhà ở xã hội tránh manh mún; kế hoạch chiến lược phát triển nhà ở dài hạn; điều kiện vay vốn.
Về việc cho ý kiến vào dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, các đại biểu thống nhất cho rằng việc ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự hiện nay là hết sức cần thiết; nội dung của dự thảo luật cơ bản đầy đủ, phù hợp, mang tính thực tiễn và lâu dài.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình và đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh cũng cho rằng: Sau 8 năm thi hành Luật Nhà ở năm 2014 vẫn tồn tại một số bất cập, hạn chế cần sửa đổi, bổ sung. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 Chương với 196 Điều; trong đó có một số điểm mới như: Bổ sung các khái niệm mới về nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp; nhà lưu trú công nhân; chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở; thành viên hộ gia đình phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở... Theo các đại biểu, cần bổ sung mới các quy định về chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang; chuyển đổi công năng nhà ở; lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. So với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định cụ thể hơn nhiều nội dung để hạn chế các tranh chấp xảy ra giúp nhà chung cư được an toàn hơn trong quá trình sử dụng.
Đồng thời, dự thảo sửa đổi, bổ sung các nội dung quản lý nhà nước về nhà ở; trách nhiệm của Bộ Xây dựng; quy định về xử lý vi phạm trong giao dịch nhà ở xã hội trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 62 Luật Nhà ở năm 2014 và bổ sung thêm quy định của Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Đối với Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, các đại biểu cho rằng: Sau 28 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, một số nội dung chưa theo kịp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, một số nội dung quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân tại Pháp lệnh không phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Từ đó, đặt ra yêu cầu phải xây dựng Luật để tạo cơ sở pháp lý cao hơn, giải quyết kịp thời các vướng mắc, bất cập trong triển khai và phù hợp với thực tiễn.
Nội dung của Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 4 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 28/02/2022. Dự thảo Luật gồm 6 chương, 34 điều.
Tại hội nghị, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Hoàng Đức Chính đánh giá cao việc các đại biểu đã nghiên cứu sâu và có nhiều ý kiến đóng góp chất lượng vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; đồng thời đề nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp đầy đủ các ý kiến làm cơ sở để tham gia đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV./.
- Từ khóa:
- Đoàn đại biểu Quốc hội
- Hòa Bình
- góp ý
- dự thảo
- 2 bộ Luật