Lai Châu: Lấy ý kiến góp ý vào các dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự, Bộ Công an chủ trì soạn thảo 5 dự án luật trình Quốc hội khóa XV.
TTXVN - Chiều 12/5, Công an tỉnh Lai Châu phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội Khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Đại tá Phạm Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh: Cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII “Xây dựng được hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế”, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã tiếp tục ưu tiên, chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là đối với các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự, Bộ Công an chủ trì soạn thảo 5 dự án luật trình Quốc hội khóa XV, gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Căn cước công dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đây là những dự án Luật có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; tăng cường quản lý Nhà nước và bảo đảm quyền lợi của công dân; nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Công an nhân dân và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Tại hội nghị, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh đã thông tin về nội chung, chương trình dự kiến của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026; đề nghị các đại biểu thẳng thắn, tham gia đóng góp ý kiến nêu rõ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, sự cần thiết thông qua 5 dự án Luật nhằm cung cấp thêm những luận cứ hữu ích để Bộ Công an hoàn thiện và báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, sớm thông qua 5 dự án Luật trên.
Hội nghị cũng dành thời gian để các đại biểu tập trung, thảo luận, có 11 ý kiến tham gia đóng góp vào 5 dự án Luật. Đại tá Nguyễn Xuân Hương, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Lai Châu nêu rõ sự cần thiết sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 bởi Luật không quy định về cấp số định danh cá nhân cho trường hợp người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch; các quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở căn cước công dân chưa đầy đủ, bao quát.
Đồng thời, Đại tá Nguyễn Xuân Hương nêu rõ những nội dung cơ bản của dự thảo luật gồm 7 chương, 46 điều. Trong đó, có 6 điểm nổi bật, gồm: Mở rộng đối tượng áp dụng là người gốc Việt Nam là người không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam để cấp giấy chứng nhận căn cước công dân và số định danh cho đối tượng này; lược bỏ vân tay, sửa đổi thông tin số thẻ căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú; bổ sung quy định về cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân; bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân.
Thượng tá Đèo Vân Khánh, Phó Trưởng phòng Quản lý Xuất, nhập cảnh, Công an tỉnh Lai Châu chỉ rõ cơ sở thực tiễn và nội dung cơ bản của chính sách mới trong dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề xuất Quốc hội sớm thông qua các dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật. Từ đó, sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý xuất, nhập cảnh và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công dân Việt Nam, người nước ngoài trong thực hiện các thủ tục xuất, nhập cảnh.
Kết luận hội nghị, Đại tá Phạm Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu đánh giá cao ý kiến thảo luận của các đại biểu. Các ý kiến đã nêu rõ những vấn đề bất cập, khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tế đòi hỏi cần sửa đổi, bổ sung, hướng tới hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Công an tỉnh tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cơ quan, ban ngành để tiếp tục bổ sung vào báo cáo và thực hiện trong thời gian tới. Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu mong muốn các đại biểu tiếp tục quan tâm nghiên cứu, đóng góp ý kiến và ủng hộ ngành Công an trong quá trình xây dựng, thẩm định, thông qua và thi hành các dự án Luật./.