Góp ý Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi): Bỏ thông tin quê quán trên căn cước công dân là hợp lý
Theo một số đại biểu, việc xóa bỏ nội dung “quê quán” trên thẻ căn cước sẽ góp phần xóa bỏ chủ nghĩa lý lịch, vùng miền trên thực tế.
Ngày 12/4, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo góp ý Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), chuẩn bị trình xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí với tầm quan trọng cần sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước công dân để đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, thực hiện các giao dịch của công dân cũng như yêu cầu về công tác quản lý nhà nước về dân cư trong tình hình mới. Các đại biểu tập trung đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo Luật, về một số nội dung liên quan đến việc thu thập, quản lý thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu căn cước, các nội dung thể hiện trên thẻ căn cước; việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi…
Về quy định xóa bỏ nội dung “quê quán” trên thẻ căn cước, ông Lưu Đức Quang, Giảng viên Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây là một quyết định rất tiến bộ của Ban soạn thảo dự thảo Luật. Việc xóa bỏ nội dung “quê quán” trên thẻ căn cước sẽ góp phần xóa bỏ chủ nghĩa lý lịch, vùng miền trên thực tế.
Tuy nhiên, ông Lưu Đức Quang đề nghị thay đổi thông tin quê quán thành nơi sinh trên thẻ căn cước công dân thay cho thông tin “nơi đăng ký khai sinh” như dự thảo hiện nay, bởi việc ghi thông tin nơi sinh có cơ sở khoa học hơn cho việc nhận diện công dân và giúp hạn chế sự trùng lặp trường thông tin công dân. Ví dụ, một ngày ở Việt Nam có hơn 4.000 trẻ em sinh ra, chia cho nơi sinh là hàng nghìn bệnh viện ở 63 tỉnh thành phố thì số trẻ trùng thông tin nơi sinh sẽ giảm đi và kết hợp thêm trường thông tin họ tên thì xác suất trùng người là rất thấp.
Bên cạnh đó, việc ghi thông tin “nơi sinh” trên thẻ căn cước công dân đảm bảo sự thống nhất, tương thích giữa hai loại giấy tờ tùy thân phổ biến hiện nay của công dân là căn cước và hộ chiếu. Thực tế các nước trên thế giới cũng áp dụng việc ghi nơi sinh trên hộ chiếu công dân.
Có chung ý kiến, bà Huỳnh Thị Thu Trang thuộc Công an Quận 8 cho rằng việc sử dụng thông tin nơi đăng ký giấy khai sinh trên thẻ căn cước công dân là không hợp lý, vì trong thực tế và theo quy định của pháp luật hiện hành, một người mất giấy khai sinh có thể đăng ký lại ở một nơi khác và trong trường hợp này có thể dẫn đến sự thay đổi thông tin về nơi đăng ký giấy khai sinh. Việc cấp căn cước công dân và dữ liệu dân cư cần bổ sung thêm số điện thoại.
Trong khi đó, Đại tá Trần Quyết Thắng, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân cho rằng, cần nghiên cứu xem xét liệu có cần thiết lưu giữ thông tin “Nơi cư trú” trên căn cước công dân hay không, bởi thông tin trên thẻ căn cước công dân cần thể hiện những thông tin cố định, bất biến, trong khi thông tin về nơi cư trú là khả biến, có sự thay đổi thường xuyên trong quá trình sinh sống của người dân. Nếu đã khai thác thông tin tích hợp vào thẻ căn cước công dân qua thiết bị chuyên dụng (được quy định tại Điều 23) thì nên xem xét bỏ thông tin “Nơi cư trú" trên thẻ căn cước công dân.
Về vấn đề những thông tin trên căn cước công dân, bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật cần bổ sung báo cáo đánh giá tác động văn bản pháp luật về những thay đổi trường thông tin trên căn cước công dân như thay “quê quán” thành “nơi đăng ký khai sinh”, “nơi thường trú” thành “nơi cư trú” hay quy định lược bỏ vân tay của ngón trỏ trái, ngón trỏ phải và đặc điểm nhận dạng phía sau thẻ căn cước công dân liệu có gây khó khăn, bất cập trong công tác quản lý công dân hay không.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu bày tỏ đánh giá cao dự thảo Luật mở rộng đối tượng áp dụng đối với “người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam, nhưng chưa xác định được quốc tịch” là một quy định tiến bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Theo ông Lưu Đức Quang, thực tế hiện nay, tại nhiều tỉnh miền Tây như An Giang, Đồng Tháp, một số đông đồng bào ta do điều kiện sinh sống lưu lạc, mất giấy tờ để công nhận quốc tịch Việt Nam, hoặc tại một số địa phương cũng đang có những trường hợp người gốc Việt Nam do hoàn cảnh cụ thể nào đó mà dù đang cư trú tại Việt Nam, nhưng vẫn chưa được công nhận quốc tịch Việt Nam. Việc đưa đối tượng này vào trong đối tượng điều chỉnh của Luật Căn cước công dân không chỉ giúp đảm bảo độ phủ của Luật trên thực tế, mà còn giúp các địa phương có cơ sở pháp lý giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong cấp giấy tờ tùy thân cho người gốc Việt không có quốc tịch nhưng đang cư trú tại Việt Nam.
Tuy nhiên, về vấn đề này, ông Nguyễn Triều Lưu, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần có những quy định cụ thể hơn liên quan đến quy định “người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch” để đảm bảo không xung đột với các luật liên quan như Luật Quốc tịch Việt Nam và các quy định luật pháp hiện hành khác.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng bày tỏ ý kiến băn khoăn về quy định cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 6 tuổi; đề nghị quy định trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ người dưới 14 tuổi trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước công dân cấp cho người dưới 14 tuổi; làm rõ việc căn cước công dân điện tử được phép sử dụng thay thế căn cước công dân trong trường hợp nào; thời gian quy định về cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân; trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công an…/.