Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc tại Sóc Trăng về các Chương trình mục tiêu quốc gia
Sau hơn 2 năm triển khai, các Chương trình mục tiêu quốc gia đã mang lại hiệu quả tích cực, thể hiện ở các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Sóc Trăng.
TTXVN - Ngày 10/5, Tổ công tác của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội do bà Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Tổ trưởng đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng về việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã huy động tổng nguồn vốn thực hiện đạt hơn 10.650 tỷ đồng; trong đó, hơn 1.300 tỷ đồng là vốn ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương đối ứng lồng ghép hơn 4.500 tỷ đồng...
Sau hơn 2 năm triển khai, các Chương trình mục tiêu quốc gia đã mang lại hiệu quả tích cực, thể hiện ở các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn đã có 64/80 (80%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (là thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu và huyện Mỹ Xuyên). Chương trình giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ hơn 7.270 hộ thoát nghèo; trong đó có hơn 3.030 hộ đồng bào Khmer. Cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được nâng lên…
Bên cạnh đó, việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai theo hướng tăng cường phân cấp cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh khung cơ chế chính sách triển khai chậm, việc phân cấp nhiều nội dung cho địa phương quy định càng làm kéo dài thêm thời gian, không phù hợp yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong những năm đầu giai đoạn 2021- 2025. Đồng thời, tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo thẩm quyền của Bộ, cơ quan Trung ương còn chậm; kế hoạch vốn năm 2022 được Trung ương giao chậm (cuối tháng 5/2022) ảnh hưởng đến việc triển khai và giải ngân các Chương trình tại địa phương...
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Tổ công tác đã trao đổi, đưa ra một số nội dung cần bổ sung như: công tác huy động nguồn vốn ngoài ngân sách; công tác triển khai chính sách vốn vay tín dụng; đào tạo nghề, giải quyết việc làm để hoàn thiện báo cáo đầy đủ hơn.
Bà Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao các kết quả thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; đồng thời đề nghị, thời gian tới, địa phương cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, dự án thành phần; tăng cường hoạt động Ban Chỉ đạo, công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả các Chương trình. Tỉnh cần đảm bảo nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; làm tốt công tác tuyên truyền nhằm huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả. Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Tổ công tác sẽ ghi nhận và báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội để kiến nghị Quốc hội xem xét, tháo gỡ.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu mong muốn, Tổ công tác ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Từ đó, kiến nghị đến Quốc hội, các Bộ, ngành Trung ương có giải pháp tháo gỡ, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các Chương trình trên địa bàn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, các Chương trình mục tiêu quốc gia luôn được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn. Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh yêu cầu, các ngành, cấp cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt những nội dung trọng tâm như: hoàn thiện nội dung báo cáo theo các ý kiến góp ý của Tổ công tác, Đoàn giám sát Quốc hội chỉ ra. Các sở, ban ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành Khung chính sách thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Các chủ đầu tư, chủ dự án thành phần cần khẩn trương đẩy mạnh công tác giải ngân vốn, đảm bảo tỷ lệ giải ngân của từng Chương trình năm 2023 tối thiểu trên 95%.../.