Thực thi chính sách

Phú Yên: Góp ý đối với 5 dự án Luật do Bộ Công an trình Quốc hội khóa XV

Phú Yên

5 dự án được Bộ Công an chủ trì xây dựng hết sức chu đáo, kỹ lưỡng, đánh giá tác động của chính sách trong tình hình thực tiễn hiện nay và cho những năm tiếp theo.

Quang cảnh buổi góp ý các dự thảo luật do Bộ Công an trình Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

TTXVN - Ngày 25/4, Đảng ủy Công an tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với 5 dự án Luật do Bộ Công an soạn thảo trình Quốc hội khóa XV.

Dự thảo các luật được góp ý gồm: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Thượng tá Huỳnh Văn Đính, Phó Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên cho rằng: một số nội dung liên quan đến quy định cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam trên môi trường điện tử cần được sửa đổi, bổ sung. Nên bỏ quy định nộp kèm bản sao giấy khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi, bản chụp căn cước công dân. Luật nên bổ sung hình thức trình báo mất và đề nghị khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử. Quy định thông tin về “nơi sinh” trên giấy tờ xuất, nhập cảnh và quy định thu thập thông tin “nơi sinh” vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cũng cần được bổ sung…

Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên phát biểu tại buổi góp ý dự thảo luật (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Theo Đại tá Phan Thanh Tám, Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, từ thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Điều này có nguyên nhân là các quy định của pháp luật chưa đồng bộ, chồng chéo. Một số điểm chưa được pháp luật quy định cụ thể hoặc điều chỉnh phù hợp với một số luật chuyên ngành. Luật Căn cước công dân (sửa đổi) là cần thiết để thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).

Việc Bộ Công an trình Quốc hội khóa XVI thông qua 5 dự án luật nêu trên là cần thiết. Từ đây làm tăng hiệu quả, hiệu lực trong thực thi pháp luật của lực lượng Công an nhân dân. Các dự án luật liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự và lực lượng Công an là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển, với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đánh giá cao về công tác chuẩn bị, sự chủ động của Đảng ủy Công an tỉnh trong việc tổ chức lấy ý kiến góp ý. Đây là việc làm nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 407/QĐ-TTg, ngày 30/3/2022 về triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”; tạo cơ chế, điều kiện để các cơ quan, ban, ngành và nhân dân phát huy quyền làm chủ của công dân trong tham gia xây dựng pháp luật, nhất là các chính sách có tác động lớn đến xã hội.

5 dự án được Bộ Công an chủ trì xây dựng hết sức chu đáo, kỹ lưỡng, đánh giá tác động của chính sách trong tình hình thực tiễn hiện nay và cho những năm tiếp theo. Những vấn đề phát sinh trên thực tế đòi hỏi cần phải sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam./.

Xuân Triệu

Xem thêm