Tại Kỳ họp thứ 12 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Hà Nam, khóa XIX đã biểu quyết thông qua 22 nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội.
TTXVN - Ngày 24/4, Kỳ họp thứ 12 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Hà Nam, khóa XIX đã thống nhất thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để hoàn thiện thủ tục báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đảm bảo thống nhất với hệ thống Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch vùng và các Quy hoạch có liên quan.
Tỉnh tập trung khai thác tối đa các lợi thế đặc thù về vị trí địa lý chiến lược của tỉnh liền kề với thành phố Hà Nội, nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để Hà Nam phát triển nhanh, bền vững và toàn diện theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với các động lực tăng trưởng quan trọng là công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo...
Hà Nam phát triển không gian toàn tỉnh theo hướng xanh và bền vững; hình thành các đô thị xanh, thông minh; không gian đô thị tập trung theo các hành lang phát triển, tránh dàn trải; bố trí hợp lý các khu, cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ; hình thành các vùng đệm phát triển môi trường, sinh thái để đảm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Hà Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đạt mức phát triển khá của vùng Đồng bằng Bắc Bộ; đến năm 2030, cơ bản đạt các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
HĐND tỉnh Hà Nam thông qua 21 nghị quyết về các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội như: Nghị quyết về điều chỉnh dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách tỉnh năm 2023; Nghị quyết phân bổ nguồn kinh phí bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; Nghị quyết về cơ chế đặc thù điều tiết nguồn thu tiền sử dụng đất cho ngân sách cấp tỉnh để tạo nguồn vốn đầu tư các dự án quan trọng phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết kéo dài thời gian bố trí vốn cho một số Dự án và điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2023...
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy đề nghị, UBND tỉnh khẩn trương cụ thể hóa và tổ chức thực hiện; đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành, thị triển khai, phối hợp tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh đã được thông qua tại Kỳ họp.
UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, đôn đốc việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công và giải ngân vốn đảm bảo tiến độ, đúng các quy định của pháp luật, nhất là những dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án tái định cư và công tác giải phóng mặt bằng; phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư...
Các đại biểu HĐND tỉnh tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân; giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri và phát hiện những vấn đề mới phát sinh tại cơ sở; nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, công tác quản lý đất đai. Các đại biểu tuyên truyền với những hình thức phù hợp về các Nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân trong tổ chức thực hiện, để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả./.
- Từ khóa:
- HĐND tỉnh Hà Nam
- kỳ họp thứ 12