Đó là ý kiến một số đại biểu tại Hội thảo góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
TTXVN - Đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) của ban soạn thảo, thể hiện sự quan tâm của Quốc hội trong việc bảo vệ người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tế cuộc sống, nhưng vẫn còn một số nội dung cần được góp ý để đảm bảo tính bình đẳng giữa người tiêu dùng và cá nhân, tổ chức kinh doanh, đảm bảo tính khả thi khi đưa Luật vào cuộc sống.
Đó là ý kiến một số đại biểu tại Hội thảo góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 24/4.
Luật sư Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, dự thảo sau khi chỉnh sửa đã có nhiều đổi mới, thể hiện sự tiến bộ, hội nhập với thế giới với nội dung tăng thêm 3 quyền của người tiêu dùng (so với luật hiện hành) để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng dịch vụ mới, trong đó có quyền người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ công được bảo vệ theo quy định của pháp luật có liên quan.
Đồng thời, nghĩa vụ của người tiêu dùng cũng tăng từ 2 lên 6 nghĩa vụ, trong đó có nghĩa vụ “bảo đảm cung cấp chính xác, đầy đủ về các nội dung thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ theo quy định của pháp luật”, thể hiện sự bình đẳng giữa người tiêu dùng và cá nhân, tổ chức kinh doanh.
Tuy nhiên, Luật sư Phan Thị Việt Thu cho rằng, khoản 1, Điều 3 giải thích “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại” là chưa rõ ràng. Nếu theo định nghĩa này, những người mua và sử dụng các sản phẩm, hàng hóa là nguyên liệu để chế biến sản phẩm kinh doanh nhỏ lẻ (có mục đích thương mại) sẽ nằm ngoài đối tượng bảo vệ của Luật khi mua phải hàng hóa kém chất lượng.
Khoản 1, Điều 25 và khoản 1 Điều 26 về thực hiện hợp đồng theo mẫu quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải dành “thời gian hợp lý” để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng, điều kiện giao dịch sẽ dẫn đến những bất cập khi thực hiện vì không có quy định cụ thể nào đi kèm về “thời gian hợp lý” cũng như quy định nếu không đáp ứng yếu tố “thời gian hợp lý” thì hợp đồng hay điều kiện giao dịch có hiệu lực hay không.
Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bên cạnh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, còn thúc đẩy hoạt động tiêu dùng, khuyến khích môi trường kinh doanh bền vững, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định.
Tuy nhiên, theo ông Lê Trường Sơn, dù đã được điều chỉnh qua nhiều lần góp ý, nhưng vẫn còn một số nội dung chưa hợp lý, dẫn đến thiếu khả thi khi áp dụng trong thực hiện cũng như một số vấn đề khác liên quan đến sự thiếu cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ người tiêu dùng và quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Theo đại diện của Saigon Co.op, tại điểm c, khoản 1, điều 21 của dự thảo quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về “nhận xét, đánh giá của người tiêu dùng (nếu có) về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh" hướng đến sự đánh giá khách quan từ những người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước đó, nhưng chỉ phù hợp với các tổ chức, cá nhân kinh doanh qua mạng, kinh doanh trực tuyến.
Đối với siêu thị, cửa hàng cung ứng, bán trực tiếp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, việc cung cấp thông tin về nhận xét, đánh giá của người tiêu dùng là không phù hợp, không khả thi, vì có người tiêu dùng chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố về việc trưng bày, không gian mua sắm...
Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 14 của dự thảo quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cảnh báo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có khả năng gây mất an toàn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và thông báo về các biện pháp phòng ngừa theo quy định của pháp luật” trong đó nội dung quy định “thông báo về các biện pháp phòng ngừa” là không khả thi và không thống nhất với quy định của pháp luật chuyên ngành như Luật An toàn thực phẩm 2018.
Bên cạnh đó, đại diện Saigon Co.op cho rằng, còn một số nội dung không đảm bảo tính cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ người tiêu dùng và quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Cụ thể, tại Điểm d Khoản 2 Điều 30 của dự thảo về trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện phụ kiện quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm "cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện tương tự để sử dụng tạm thời hoặc có hình thức giải quyết phù hợp khác theo thỏa thuận giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh trong thời gian thực hiện bảo hành" là rất khó áp dụng với những mặt hàng có giá trị lớn, kích thước to ví dụ như máy giặt, tủ lạnh... Bên cạnh chi phí vận chuyển phát sinh rất lớn, gây gánh nặng về tài chính cho tổ chức, cá nhân kinh doanh, tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng khó có dù số lượng phù hợp cho mục đích sử dụng tạm thời này.
Đồng thời, cần sửa quy định trách nhiệm chịu chi phí sửa chữa, vận chuyển sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện đến nơi bảo hành và từ nơi bảo hành đến người tiêu dùng, nơi sử dụng sản phẩm hàng hóa, linh kiện, phụ kiện, chỉ trong trường hợp do lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh; bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm thu hồi hàng hóa, sản phẩm có khuyết tật thuộc về tổ chức, cá nhân sản xuất; tổ chức, cá nhân nhập khẩu; tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lớn sản phẩm... Chỉ nên quy định trong trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu..., tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật mới chịu trách nhiệm thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật…
Đại diện Saigon Co.op nhấn mạnh, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần đảm bảo nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng, công bằng giữa các bên trong giao dịch dân sự, cũng như một số nội dung chưa đảm bảo cân bằng giữa quyền lợi, trách nhiệm của người tiêu dùng với quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, tránh làm phát sinh gánh nặng về chi phí không hợp lý cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến gồm 7 chương, 79 điều, quy định về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.