Quốc hội với Cử tri

Thực hiện Luật Cư trú (sửa đổi): Cần cải thiện việc kết nối dữ liệu giữa các ngành

TP. Hồ Chí Minh

Nhiều đại biểu cho rằng cần cải thiện việc kết nối dữ liệu giữa các ngành; đồng thời rà soát, làm sạch cơ sở dữ liệu khi chuyển sang quản lý cư trú qua Căn cước công dân gắn chíp điện tử.

TTXVN - Ngày 16/5, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh có buổi khảo sát việc thực hiện Luật Cư trú (sửa đổi) năm 2020 trên địa bàn. Luật có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2021, quy định thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý bằng công nghệ thông tin, thông qua Căn cước công dân gắn chíp điện tử.

Quanh cảnh buổi làm việc với các sở ngành của Đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Triều Lưu, Trưởng Phòng Hộ tịch - Quốc tịch thuộc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện có 34 thủ tục hành chính cần xác định thẩm quyền giải quyết đã sử dụng thông tin cư trú thông qua Căn cước công dân. Tuy nhiên, một số thủ tục hành chính còn gặp vướng mắc, như với thủ tục đăng ký kết hôn, do không có dữ liệu đăng ký thường trú trước đây và thời điểm đến đăng ký nên không thể giải quyết thủ tục này ngay trong ngày (như khi có sổ hộ khẩu) vì phải tra cứu, xác minh nên thời gian có thể kéo dài 20 ngày hoặc lâu hơn.

Từ thực tế trên, ông Nguyễn Triều Lưu cho rằng, không phải cán bộ giải quyết thủ tục hành chính làm khó dân mà do vấn đề dữ liệu chưa đầy đủ. Nếu dữ liệu đầy đủ, được chia sẻ rộng rãi thì việc giải quyết thủ tục hành chính mới thực sự "không có biên giới". Ông Nguyễn Triều Lưu kiến nghị, thời gian tới, địa phương cần làm tốt công tác này, đồng thời cải thiện việc kết nối dữ liệu giữa các ngành.

Tương tự, nhiều đại biểu cho rằng, việc rà soát, làm sạch cơ sở dữ liệu là rất quan trọng trong thời gian tới.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ khi triển khai Đề án 06, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Công an Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt việc làm sạch dữ liệu, tuy nhiên đến nay công tác này vẫn còn một số sai sót. Công an Thành phố đang tiếp tục rà soát và phấn đấu giảm sai sót ở mức thấp nhất.

Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến nay, Công an Thành phố đã cấp hơn 7,2 triệu Căn cước công dân gắn chíp. Ngày 8/5/2023, đơn vị mở cao điểm nước rút cấp Căn cước công dân gắn chip điện tử đối với hơn 115.000 trường hợp chưa được cấp. Trong đợt này, lực lượng Công an cam kết sẽ hoàn thành chỉ tiêu cấp Căn cước công dân trên địa bàn đến hết ngày 31/5.

Kết luận buổi làm việc, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao công tác triển khai việc thực hiện Luật Cư trú, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị đề ra, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên quá trình thực thi Luật Cư trú cũng phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố ghi nhận các đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện báo cáo gửi Quốc hội, đóng góp cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú trong Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII./.

Thành Chung

Tin liên quan

Xem thêm