Đến ngày 9/4, toàn tỉnh thu nhận trên 1,6 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân; cấp trên 1,5 triệu thẻ căn cước công dân; trên 1,5 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội trên địa bàn được đồng bộ, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
TTXVN - Thái Bình đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06).
Với phương châm “chủ động, làm đến đâu chắc đến đó”, “giải quyết công việc linh hoạt, khoa học, hiệu quả” và thực hiện theo lộ trình, để triển khai Đề án 06, Thái Bình xác định rõ các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể phục vụ 5 nhóm tiện ích gồm giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Năm 2023, tỉnh phấn đấu tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý theo hình thức trực tuyến và trực tiếp đối với các dịch vụ công theo Đề án 06 và theo Quyết định 422/QĐ-TTg của Thủ tướng đạt tối thiểu 50%. Đồng thời, chủ động công tác tuyên truyền, hướng dẫn triển khai cung cấp dịch vụ và nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đánh giá kết quả thực hiện thông qua mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
UBND tỉnh Thái Bình cũng giao nhiệm vụ, khối lượng công việc cụ thể và thời gian hoàn thành đến từng cơ quan, đơn vị; trong đó lấy kết quả triển khai, thực hiện nhiệm vụ của Đề án 06 là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương.
Với đặc thù địa bàn có nhiều người dân đi làm ăn xa, xuyên suốt 5 ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 vừa qua, Công an tỉnh Thái Bình đã tập trung tối đa lực lượng, phương tiện tổ chức thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân gắn chíp và thành lập các tổ thu nhận hồ sơ lưu động, tạo lập tài khoản định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2 cho công dân tại UBND các phường, xã và thị trấn. Với 3 ca làm việc thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ hàng ngày, các cán bộ, chiến sỹ Công an đã giải quyết được hàng chục ngàn hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp và các thủ tục lập tài khoản định danh điện tử, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 06 trên địa bàn.
Theo Công an tỉnh Thái Bình, đến ngày 9/4 toàn tỉnh thu nhận trên 1,6 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân; cấp trên 1,5 triệu thẻ căn cước công dân. Ngoài ra, có trên 1,5 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội trên địa bàn được đồng bộ, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đạt 94%); đã có trên 532.000 người sử dụng thẻ căn cước công dân đi khám chữa bệnh. Riêng tháng 4/2023 có gần 147.000 trường hợp sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp khám chữa bệnh thay thẻ Bảo hiểm y tế. Tiện ích này được người dân đánh giá cao, giảm bớt được thời gian chờ đợi và các thủ tục hành chính khi khám chữa bệnh.
Một số thủ tục, dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 tại tỉnh Thái Bình cũng đã được triển khai với kết quả tốt với tỷ lệ 100% trực tuyến như thủ tục khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú; thủ tục làm con dấu thu nhỏ, con dấu mới và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu; thủ tục cấp điện mới từ lưới điện hạ áp, thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện.
Tuy vậy, theo Công an tỉnh Thái Bình một số thủ tục hành chính thiết yếu theo Đề án 06 trên địa bàn còn đạt tỷ lệ thấp. Đơn cử như thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe mới chỉ đạt 0,2%; thủ tục đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền trên đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận đạt 0,86%; thủ tục giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp đạt 9,52%. Các thủ tục cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân; cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông chưa thực hiện số hóa do chưa có hướng dẫn từ Trung ương./.