An sinh

Thành phố Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm an toàn vệ sinh lao động

Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động tới người lao động, người sử dụng lao động .

Liên đoàn Lao động Quận 5, Tp. Hồ Chí Minh tặng quà cho công nhân lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. (Ảnh: Thanh Vũ /TTXVN)

(TTXVN) Thành phố kiên quyết đình chỉ thi công nếu không đảm bảo an toàn cho người lao động, xử lý hành vi, vi phạm quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đây là một trong những nội dung Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhân Tháng an toàn vệ sinh lao động năm 2023 diễn ra từ ngày 1 - 31/5.

Để đảm bảo công tác an toàn vệ sinh lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố sẽ tăng cường kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tai nạn lao động, cháy nổ như công trình xây dựng hay lĩnh vực cơ khí, kho bãi... Sở chỉ đạo đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, phổ biến, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp theo hướng làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của doanh nghiệp và người lao động, kể cả người có quan hệ lao động và người nằm ngoài quan hệ lao động đối với công tác này.

Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố, đơn vị tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo, huy động sự đồng thuận, chung tay của các cấp, ngành, tổ chức chính trị xã hội, người dân đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động. Trong đó, thúc đẩy và đề cao vai trò bảo đảm quyền, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội khác trong thực hiện an toàn, vệ sinh lao động.

Sở sẽ phối hợp cùng các cấp, ngành tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp, nhất là cán bộ quản lý về lao động của cơ quan quản lý nhà nước ở thành phố Thủ Đức, các quận, huyện kịp thời hướng dẫn người lao động trong doanh nghiệp ở địa phương về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề tiềm ẩn gây ra sự cố kỹ thuật, mất an toàn, vệ sinh lao động...

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, năm 2022, trên địa bàn xảy ra 803 vụ tai nạn lao động với 832 người bị nạn, trong đó có 83 vụ tai nạn lao động làm 86 người chết. Tai nạn lao động làm chết người chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ. Nguyên nhân, hầu hết các doanh nghiệp thi công không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ hoặc không có năng lực thi công công trình; thầu chính giao khoán cho thầu phụ hoặc cai thầu để thi công công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ; thuê mướn người lao động tự do không có hợp đồng lao động, không được trang bị kiến thức an toàn, vệ sinh lao động, các trang bị, phương tiện bảo hộ lao động...

Liên quan đến vấn đề này, ông Trương Công Nam, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ các hoạt động xây dựng trên địa bàn được xem là lớn nhất, nhì cả nước. Lực lượng thanh tra trực thuộc Sở đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt từ khi công trình khởi công cho đến lúc nghiệm thu bàn giao, đưa vào sử dụng, nhất là công trình cao tầng do Sở Xây dựng quản lý.

Theo ông Trương Công Nam, Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn để quá trình thi công xây dựng luôn được đảm bảo an toàn. Do vậy, trong quá trình thi công xây dựng, trường hợp nhà thầu, chủ đầu tư không chấp hành quy định về an toàn lao động, lực lượng thanh tra xây dựng, chính quyền địa phương cương quyết xử lý nghiêm nhằm hạn chế tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh lao động.

Hưởng ứng Tháng an toàn vệ sinh lao động năm 2023, mới đây, Liên đoàn Lao động thành phố đã phát động Tháng Công nhân và Tháng an toàn vệ sinh lao động năm 2023. Theo đó, trọng tâm của hoạt động Công đoàn là phối hợp cùng đơn vị doanh nghiệp tổ chức hoạt động giao lưu, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về an toàn vệ sinh lao động; vận động công nhân tham gia làm vệ sinh máy móc, thiết bị, nhà xưởng, nơi làm việc; phát động phong trào “xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, tổ chức hội thi trực tuyến tìm hiểu Luật An toàn vệ sinh lao động, hoạt động thăm hỏi, chăm lo người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…/.

Thanh Vũ

Xem thêm