An sinh

Trà Vinh: Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Trà Vinh

Trà Vinh đang thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong các khâu sản xuất nông nghiệp, giám sát thời tiết, chăm sóc sức khỏe cây trồng, vật nuôi....

Trà Vinh triển khai giao thông nội đồng ở xóm nông thôn mới thông minh (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

TTXVN - Trà Vinh đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, hướng tới phát triển những vùng nông thôn thông minh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng, tỉnh tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức. Các hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn, được tổ chức nhằm bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về chuyển đổi số, kỹ năng công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho cán bộ, công chức, viên chức hoạt động ở lĩnh vực xây dựng nông thôn mới các cấp từ tỉnh đến huyện, xã và người dân nông thôn. Tỉnh cũng khuyến khích các Tổ công nghệ cộng đồng tham gia tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng, hoạt động chuyển đổi số cho người dân ở địa phương.

Bên cạnh đó, Trà Vinh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành các cấp; đặc biệt là quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn và các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường, an ninh trật tự để tạo sự đồng bộ, thống nhất và liên thông trong hệ thống chính quyền.

Tỉnh sẽ thiết lập trang thông tin điện tử riêng của xã, tăng cường sử dụng công nghệ số trong công việc, giao tiếp, tương tác với người dân thông qua các công cụ công nghệ số như sử dụng loa truyền thanh thông minh không dây, thiết lập kênh giao tiếp trên điện thoại thông minh, hội thoại nhóm như zalo, facebook, group mail… để tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân, quảng bá hình ảnh, các nét văn hóa đặc trưng địa phương; đồng thời tiếp nhận các ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Cùng với đó, địa phương thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong các khâu sản xuất nông nghiệp, giám sát thời tiết, chăm sóc sức khỏe cây trồng, vật nuôi và tiếp cận thị trường, hỗ trợ quản bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu cho nông sản, dịch vụ du lịch trên môi trường mạng… Tỉnh cũng phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, Trà Vinh triển khai lựa chọn, thực hiện thí điểm mô hình xã/ấp nông thôn thôn mới thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội của địa phương.

Tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu năm 2023, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 30% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 25% hồ sơ công việc cấp huyện và 20% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 35% cán bộ công chức, viên chức các cấp thực hiện Chương trình này được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số; 15% đơn vị cấp huyện, xã cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu ứng dụng chuyển đổi số.

Tỉnh Trà Vinh hiện có 6/9 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Riêng 2 huyện (Cầu Ngang và Duyên Hải) đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, đang chờ Trung ương quyết định công nhận.

Đối với xã nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 82/85 xã đạt chuẩn. Còn 3 xã Ngãi Xuyên, Kim Sơn, Hàm Giang của huyện Trà Cú cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí, dự kiến trong quý II này sẽ trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận. Về xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hiện tỉnh có 27 xã đạt chuẩn và 12 xã đang hoàn thiện hồ sơ thẩm định./.

Thanh Hòa

Xem thêm